“Nước mắt” trên đỉnh núi cao Lũng Khỉnh

“Nước mắt” trên đỉnh núi cao Lũng Khỉnh
Khát khao của con trẻ có thể trở thành nước mắt nơi đỉnh núi
 
Khi chúng tôi leo dốc núi lên với bà con đồng bào Mông ở Lũng Khỉnh (ngày 13/6/2017) thì 3 em nhỏ trong bản (từ 8 - 13 tuổi) đã bỏ lại tuổi thơ của mình ra đi với một rủi ro vô tình của con trẻ… Chúng tôi chưa từng biết các em, nhưng khi đặt mỗi bước chân leo lên từng hốc đá lởm chởm, trên vách núi chỉ sơ xẩy là trượt chân rơi xuống vực đá sâu hun hút mới thấy rằng tuổi thơ yếu ớt của các em trói buộc nơi vách đá gian khó với cuộc sống khắc khổ, thiệt thòi, thiếu thốn... Bởi chỉ đơn giản so sánh, người lớn khỏe mạnh leo trên vách núi gần 2 giờ mới đến bản, còn các em sức yếu nhưng trong độ tuổi đi học sẽ đi với quãng đường núi đá tương đương người lớn để đến lớp, chưa kể ngày nắng gắt, mưa giông… 

Nói đến bản nhưng vẫn là cảnh hoang vắng, chỉ có nương ngô trồng trên dốc đá thoai thoải, hai bên vách núi rải rác có 3 - 4 nóc nhà lợp mái gianh thấp, ken vách nứa. Trên núi đá cao trơ khấc toàn đá nhọn và gió núi, bà con trồng cây ngô, bí đỏ làm mèn mén, thức ăn hằng ngày, ngoài ra chỉ có mấy cây vải rừng, chuối lá xơ xác mọc cạnh nhà. Nhìn cảnh bản hoang sơ trên núi đá và các cháu nhỏ quần áo nhem nhuốc chơi bên mỏm đá hiểu ngay trẻ em nơi đây sống kham khổ đến thế nào khi đang tuổi ăn, tuổi lớn, phát triển thể chất mà chẳng có gì ăn thêm bổ sung dinh dưỡng cho nhu cầu phát triển ngoài mèn mén, rau bí… và mùa hè đến có thêm mấy cây vải rừng trong bản quả chín đỏ chót, ăn vị chua, ngọt có lẽ là một loại quả duy nhất, hấp dẫn bọn trẻ nơi đây… 

Nhưng đâu có ngờ, khát khao hồn nhiên của con trẻ trên đỉnh núi cao bỗng trở thành tin dữ. Anh Lý Văn Dẩư, cha của 4 cháu nhỏ kể: Sáng 8/6/2017, hai vợ chồng dậy sớm tranh thủ đi vun ngô, để 4 đứa con ở nhà. Bọn trẻ rủ nhau trèo cây vải gần nhà hái quả chín để ăn… Khi hai vợ chồng tôi về đến nhà khoảng gần 10 giờ sáng thấy các con kêu buồn nôn, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, sốt cao, đặc biệt là hai cháu lớn Lý Thị Hoa, Lý Thị Mái và cháu Lý Văn Thắng (con của anh Lý Văn Vừ - anh trai của anh Lý Văn Dẩư). Tôi lo lắng hỏi các con ăn gì, bọn trẻ nói không ăn gì ngoài ăn quả vải. Tôi nghĩ, hằng năm bọn trẻ trong bản vẫn hay ăn quả vải không thấy bị sao nên có lẽ chỉ đau một chút rồi qua... Đang giữa trưa nắng mà nhà trên núi cao xuống núi hiểm trở, bọn trẻ không tự đi được nên không thể cùng một lúc đưa hết tất cả 5 cháu đi khám. Đến chiều ngày 9/6, khi thấy các con biểu hiện nguy kịch hơn, tôi mới báo cho anh em và người thân trong bản cõng các cháu xuống núi đi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Thông Nông  (Cao Bằng), rồi chuyển ra BVĐK tỉnh cấp cứu… Nhưng các cháu đã không qua cơn nguy kịch (cháu Lý Thị Hoa, Lý Thị Mái tử vong vào chiều 13/6, cháu Lý Văn Thắng tử vong ngày 10/6).

Tin dữ ập xuống, không chỉ cha mẹ các cháu, dân bản nơi đỉnh núi cao khóc thương mà làm động lòng biết bao người khác. Nhiều người trong các đoàn của tỉnh, huyện, xã đến chia buồn, động viên hai gia đình, bày tỏ tiếc nuối “Không biết các cháu bị ngộ độc vì cái gì, nhưng nếu như đường núi không hiểm trở, đưa các cháu xuống núi dễ dàng thì đã cấp cứu kịp thời”. Bao nước mắt xót thương các cháu rơi xuống thay lời khao khát tìm lời giải gỡ nỗi khổ cực cho bà con đồng bào Mông trên đỉnh núi cao Lũng Khỉnh…
 
Đoàn giám sát của Sở Y tế thăm hỏi, chia buồn, động viên gia đình có trẻ tử vong ở xóm Lũng Khỉnh, xã Đa Thông (Thông Nông).
Đoàn giám sát của Sở Y tế thăm hỏi, chia buồn, động viên gia đình có trẻ tử vong ở xóm Lũng Khỉnh, xã Đa Thông (Thông Nông).
Chung tay giúp đỡ, chia sẻ nỗi đau 
Bác sỹ Hoàng Văn Kiền, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu và chống độc, BVĐK tỉnh cho biết: 2 bệnh nhân Lý Thị Hoa, Lý Thị Mái vào cấp cứu hồi 10 giờ ngày 10/6 với tình trạng rất nặng: Mạch nhanh, huyết áp không đo được, da xanh, môi tím, hôn mê. Đến ngày 13/6, 2 bệnh nhân có tình trạng diễn biến bệnh lý nhanh và nặng, đã được đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng cứu chữa, chăm sóc tận tình, tập trung nhân lực, phương tiện máy móc hiện đại và thuốc tốt để điều trị, song tình trạng của cả 2 bệnh nhân rất nặng, hôn mê sâu và thở theo máy hoàn toàn, tiên lượng rất xấu. Trước tình hình đó, đến 13 giờ ngày 13/6, gia đình đã đề xuất với Bệnh viện xin cho 2 cháu ra viện, BVĐK tỉnh đã cử nhân viên y tế và bố trí xe cứu thương đưa người bệnh về nhà  vào hồi 15 giờ 10 phút ngày 13/6, trên đường về nhà 2 cháu đã tử vong.

Còn cháu Lý Văn Trường (em của Hoa và Mái) bị nhẹ hơn nên điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Bác sỹ Nguyễn Thị Thu, Trưởng Khoa Truyền nhiễm cho hay: Bệnh nhân Lý Văn Trường vào điều trị tại khoa vào hồi 19 giờ 40 phút ngày 10/6 trong tình trạng tỉnh, buồn nôn, mệt. Qua thời gian điều trị, đến 8h ngày 14/6, bệnh nhân Trường tỉnh, không sốt, không đau bụng, ăn ngủ được, không nôn, tim đều, phổi không có ran, gan lách không to, các bộ phận khác trong cơ thể bình thường, bệnh nhân ổn định nên đã được xuất viện vào sáng 14/6.

Biết thông tin 4 cháu bé dân tộc Mông, tại xóm Lũng Khỉnh, xã Đa Thông, huyện Thông Nông( Cao Bằng) nghi bị ngộ độc cấp cứu và điều trị tại BVĐK tỉnh, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, Tỉnh đoàn Thanh niên  Cao Bằng đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, lực lượng đoàn viên, thanh niên "Chung tay cứu trẻ nguy kịch" để giúp đỡ, hỗ trợ các cháu; cử đoàn viên thanh niên túc trực tại Bệnh viện cũng như kêu gọi ủng hộ quần áo, sữa, tiền cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Khi 2 cháu Hoa, Mái nguy kịch, gia đình xin đưa về nhà, Tỉnh đoàn Thanh niên đã cử đoàn viên, thanh niên giúp đỡ gia đình đưa các cháu về. Sáng 14/6, Tỉnh đoàn Thanh niên Cao Bằng  tiếp tục hỗ trợ xe, đoàn viên, thanh niên đưa 2 cháu Trường, Long và gia đình về nhà; trao 40 triệu đồng do các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ cho 2 gia đình, trong đó hỗ trợ gia đình cháu Lý Văn Thắng (13 tuổi, tử vong trước đó) 6 triệu đồng. Huyện Thông Nông đã đến động viên và hỗ trợ 2 gia đình có trẻ tử vong hơn 24 triệu đồng.

Theo Báo cáo số 999/SYT-NVY ngày 13/6/2017 của Sở Y tế về việc tình trạng của 4 trẻ tại xóm Lũng Khỉnh, sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế đã chỉ đạo BVĐK tỉnh huy động các phương tiện hiện có và cấp thuốc cấp cứu, điều trị. Chỉ đạo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Thông Nông (Cao Bằng) tổ chức phối hợp điều tra theo đúng quy định, lấy mẫu gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Tiếp tục theo dõi các trường hợp tại địa phương, nếu phát hiện những trường hợp có các triệu chứng như các trường hợp nêu trên, đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cao Bằng lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và tổ chức điều tra, giám sát tại cộng đồng.
 
Phóng viên Báo Cao Bằng đến nhà anh Lý Văn Dẩư, xóm Lũng Khỉnh, xã Đa Thông (Thông Nông) hỏi thăm, chia buồn và nắm thông tin.
Phóng viên Báo Cao Bằng đến nhà anh Lý Văn Dẩư, xóm Lũng Khỉnh, xã Đa Thông (Thông Nông) hỏi thăm, chia buồn và nắm thông tin.

Và những nỗi buồn để lại

Đến chia buồn với gia đình anh Lý Văn Dẩư trong gian nhà sơ sài, chật hẹp. Tiếng trống, tiếng khèn, tiếng khóc than vọng ra dội vào sườn núi… Khi chúng tôi chia tay gia đình xuống núi đã 5 - 6 giờ chiều, gặp từng tốp người khiêng lợn, dắt bò, gánh rượu vượt núi đi lên. Hỏi thăm mới biết họ đều là họ hàng anh Lý Văn Dẩư từ các huyện Hà Quảng, Bảo Lâm và các xã Lương Thông, Cần Yên (Thông Nông, Cao Bằng) đến đám ma và giúp mua bò, lợn, rượu làm lễ cúng. Nếu nhà anh Lý Văn Dẩư có điều kiện còn phải mua con bò to để cúng chứ không mua con bê nhỏ như thế này, tục lệ người Mông là cúng cả con lợn, con bò, một người dân cho biết. Nghe vậy, chúng tôi nhẩm tính, không biết số tiền mà Tỉnh đoàn, các cấp, ngành, đoàn thể huyện, xã vận động ủng hộ gia đình có đủ làm ma cho hai con không?! Xuống gần đến chân núi, chúng tôi gặp anh Lý Văn Dinh Pá, Trưởng xóm Lũng Khỉnh đi lên, anh bảo hơn một tuần nay, từ khi hai anh em Lý Văn Vừ, Lý Văn Dẩư có con đi cấp cứu rồi mất, mọi người trong bản ai cũng đến giúp, đoàn kết lắm. Thế nhưng khi bảo bà con bỏ bớt hủ tục  trong tang ma thì bà con cho rằng không được từ bỏ lễ nghi của đời trước để lại…

Xuống núi rồi mà tâm trạng chúng tôi vẫn không khỏi day dứt, buồn đau bởi cuộc sống nơi non ngàn Lũng Khỉnh quá khó khăn, đường đi lại quá cực khổ mà các em nhỏ nơi đó không có được cuộc sống đủ đầy, bà con không bỏ được những hủ tục, để khi nỗi buồn ập đến lại càng đè nặng xuống đôi vai dân bản.
 
 Ngày 13/6/2017, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cử đoàn công tác phối hợp với UBND, Trung tâm Y tế huyện Thông Nông đến xóm Lũng Khỉnh, xã Đa Thông, huyệnThông Nông(Cao Bằng) để điều tra tình trạng của 4 trẻ tại xóm Lũng Khỉnh bị ngộ độc. Kết quả giám sát cho thấy hiện tại xóm Lũng Khỉnh có 4 ca mắc, trước khi mắc bệnh trẻ khỏe mạnh bình thường và ăn uống các thức ăn hằng ngày như: mèn mén, rau và có ăn nhiều quả vải của gia đình trồng, sau đó có các triệu chứng: đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn, li bì. Qua giám sát, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Thông Nông điều tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại xóm Lũng Khỉnh, đồng thời điều tra giám sát tất cả các xóm trên địa bàn xã Đa Thông (Thông Nông). Truyền thông trực tiếp cho người dân về các biện pháp phòng bệnh như: vệ sinh môi trường, ăn uống... Hướng dẫn, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Thông Nông phối hợp với Trạm Y tế xã triển khai các biện pháp xử lý môi trường bằng Cloramin B, phun hóa chất diệt muỗi, côn trùng... Lập danh sách những người trong 2 hộ gia đình và những người có tiền sử tiếp xúc với các bệnh nhân để theo dõi nhằm phát hiện kịp thời khi có biểu hiện bệnh. Thực hiện tốt, kịp thời thông tin báo cáo tình hình dịch bệnh đúng theo quy định của Bộ Y tế. Đến hết ngày 13/6/2017, tại xóm Lũng Khỉnh và địa bàn xã Đa Thông không phát hiện có thêm bệnh nhân mắc mới.

Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm