Học và làm theo Bác:

Nữ cán bộ Sùng Phà Sủi được bà con thôn bản tin yêu

Nữ cán bộ Sùng Phà Sủi được bà con thôn bản tin yêu
Chị Sùng Phà Sủi lao động tại vườn nhà. Ảnh: Phạm Hồng Ninh - TTXVN
 Chị Sùng Phà Sủi lao động tại vườn nhà. Ảnh: Phạm Hồng Ninh - TTXVN

Sinh ra và lớn lên tại xã Nậm Mòn, đến tuổi lập gia đình, chị Sùng Phà Sủi (sinh năm 1964) theo chồng về sinh sống tại thôn Tống Thượng, xã Nậm Đét. Tống Thượng là thôn vùng cao đặc biệt khó khăn nhất trong các thôn của xã Nậm Đét. Đây là thôn duy nhất của xã có người dân tộc Phù Lá sinh sống, lại nằm chót vót trên đỉnh núi. Năm 1984, về làm dâu ở Tống Thượng, chị Sùng Phà Sủi là người duy nhất trong thôn biết chữ. Một năm sau, chị Sủi được bầu là Trưởng thôn Tống Thượng.

Chị Sùng Phà Sủi chia sẻ: “Hồi đó, thôn mới có 39 hộ, chủ yếu làm nông nghiệp, đất đai còn chưa được cải tạo nhiều. Bản Tống Thượng nằm trên núi cao, quanh năm sương mù, từ lâu bà con đã quen trồng giống lúa, ngô địa phương, năng suất rất thấp. Số hộ đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Là Trưởng thôn, khi bắt tay vào làm việc tôi nghĩ phải làm gì đó giúp người dân Tống Thượng thoát nghèo. Gia đình tôi mạnh dạn tiên phong chuyển toàn bộ diện tích ruộng sang cấy giống lúa mới. Ông trời thương, thời tiết năm đó thuận lợi cộng với giống lúa hợp đất mỗi ngày thêm xanh tốt, trổ bông, uốn câu, rồi chín vàng. Mảnh ruộng vụ trước chỉ thu vỏn vẹn một bao thóc, năm đó được những 5 bao đầy. Nhà tôi có 12 mảnh ruộng tất cả thu được gần 70 bao thóc trước sự hoài nghi lẫn ngỡ ngàng của bà con trong thôn. Rồi năm thứ 2, thứ 3 bội thu, thóc của gia đình cứ đầy bồ, chum đầy gạo đủ ăn quanh năm”.

Chị Sùng Phà Sủi lao động tại vườn nhà. Ảnh: Phạm Hồng Ninh - TTXVN
Chị Sùng Phà Sủi lao động tại vườn nhà. Ảnh: Phạm Hồng Ninh - TTXVN

Vài năm liên tiếp, gia đình chị Sùng Phà Sủi còn có thóc dư để bán, có tiền lợp nhà ngói đầu tiên. Bà con trong thôn thấy vậy kéo đến nhà trưởng thôn xin giống lúa mới, xin kinh nghiệm trồng trọt. Chị Sủi nhiệt tình chỉ cho bà con cách ủ giống, gieo mạ, chăm sóc lúa lai rồi cùng với đó vận động đồng bào chuyển từ trồng ngô địa phương sang ngô hàng hóa cho năng suất cao. Bản Tống Thượng từ ngày ấy dần dần đẩy lùi được hủ tục, cái đói, cái nghèo; cuộc sống có nhiều thay đổi. Tống Thượng hiện giờ có 74 hộ, trong đó có 17 hộ giàu, 35 hộ khá; nhiều hộ thu nhập bình quân mỗi năm từ 80 - 100 triệu đồng. Gần 20 năm làm Trưởng thôn rồi kiêm Bí thư Chi bộ, công an viên dù không có phụ cấp nhưng chị Sùng Phà Sủi chưa từng nản chí bởi động lực giúp chị làm tốt công việc chính là sự tín nhiệm của nhân dân và những khởi sắc của thôn.

Năm 2004, được sự tín nhiệm của phụ nữ xã Nậm Đét chị Sủi được bầu làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Điều mà chị Sủi luôn canh cánh trong lòng là giúp cho phụ nữ dân tộc thiểu số có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với vị trí, vai trò của mình chị Sủi luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Hội, cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị của địa phương, đẩy mạnh các phong trào, nhiệm vụ nâng cao trình độ nhận thức, năng lực của phụ nữ. Xác định tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, chị Sủi thường xuyên đi xuống các chi hội tuyên truyền trực tiếp chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới toàn thể gia đình hội viên phụ nữ. Mặt khác, chị Sủi vận động chị em đẩy lùi các tệ nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Chị đi đến từng nhà, hướng dẫn các hội viên phụ nữ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để phát triển kinh tế như cây quế, nuôi lợn nái đen,…

Những rừng quế ken dày xanh ngăn ngắt ở Nậm Đét đã giúp cho nhiều hộ dân thực sự đổi đời, không còn phải đi nương trồng ngô hay đi làm thuê, làm mướn. Người dân Nậm Đét đã tìm hướng thoát nghèo, làm giàu ngay trên quê mình. Nhờ cây quế, cuộc sống của chị em Nậm Đét được cải thiện đáng kể. Hội Phụ nữ xã tích cực vận động, giúp đỡ các hội viên khó khăn có thêm điều kiện để tiếp cận tốt hơn với cây quế. Hộ thiếu vốn được chị Sủi hướng dẫn các thủ tục vay vốn, nhà nào neo người các chị em cùng chia sẻ ngày công. Đến nay, toàn xã Nậm Đét đã có gần 100 hộ gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo. Chị Triệu Thị Mẩy, thôn Tống Thượng chia sẻ: Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, có một thời gian hai vợ chồng đi làm thuê nhưng thu nhập không đáng là bao. Chị Sùng Phà Sủi vận động gia đình tiếp cận nguồn vốn giảm nghèo để trồng cây quế. Nhờ vậy, vợ chồng tôi đã chuyển từ trồng ngô sang trồng quế cho thu nhập ổn định, không phải bỏ quê đi làm thuê nữa.

Chủ tịch Hội phụ xã Nậm Đét Sùng Phà Sủi đang tuyên truyền về chế độ chính sách cho hội viên. Ảnh: Phạm Hồng Ninh-TTXVN
Chủ tịch Hội phụ xã Nậm Đét Sùng Phà Sủi đang tuyên truyền về chế độ chính sách cho hội viên. Ảnh: Phạm Hồng Ninh-TTXVN

Khi cuộc sống được cải thiện,  phụ nữ Nậm Đét cũng có những thay đổi lớn trong nhận thức, đặc biệt là trong đóng góp xây dựng nông thôn mới. Vài năm trở lại đây, theo lời vận động của chị Sủi, phụ nữ đã hăng hái đóng góp tiền để xây dựng nhà văn hóa, đổ được 25km đường bê tông; nhiều gia đình hội viên phụ nữ trong xã hiến 20.000 cây quế, 14 ha đất để mở 11km đường nội đồng.

Bí thư Đảng ủy xã Nậm Đét Triệu Thị Ghến nhận xét, ở các thôn đồng chí Sủi phụ trách đã có hàng chục mô hình nhà sạch vườn đẹp được hình thành. Đa phần các hộ dân đã làm được nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng nuôi nhốt gia súc xa nhà, nhận thức của người dân có sự thay đổi đáng kể, là cơ sở để Nậm Đét mạnh dạn đăng ký về đích nông thôn mới vào năm 2018. Hoạt động của Hội Phụ nữ xã Nậm Đét đã có nhiều đóng góp trong việc đẩy lùi được các tệ nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, phụ nữ bỏ nhà đi khỏi địa phương.

Là người có uy tín, luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chị Sùng Phà Sủi đã trở thành một tấm gương sáng cho bà con ở xã vùng cao Nậm Đét học tập. Với những đóng của mình, chị Sủi đã nhiều lần được các cấp của tỉnh Lào Cai khen thưởng nhưng với chị phần thưởng lớn nhất chính là sự tin tưởng của bà con, là động lực cho người phụ nữ Phù Lá này tiếp tục gắn bó với những thôn bản vùng cao Nậm Đét.
Hồng Ninh - Cao Hương

Có thể bạn quan tâm