Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn

Nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn
Hồ vải địa tại xã Thượng Thôn (Hà Quảng) đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho bà con địa phương.

Hồ vải địa tại xã Thượng Thôn (Hà Quảng) đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt
cho bà con địa phương.

NƯỚC SẠCH VỀ TỚI VÙNG CAO

Chúng tôi đến xã Thông Huề (Trùng Khánh) thăm công trình nước hệ tự chảy liên xóm Sộc Riêng - Bản Cưởm được Chương trình Mục tiêu quốc gia đầu tư và hoàn thành trong năm 2015.  Công trình đã hoàn thành xây dựng bể lọc, bể áp lực và hệ thống đường ống dài 2.539 m dẫn nước về bể chứa và cung cấp nước sạch cho 49 hộ dân. Chị Bế Thị Ngân, xóm Bản Cưởm, xã Thông Huề tâm sự: Trước kia, bà con chỉ dùng nước suối thôi. Ăn uống, tắm giặt... đều từ nước suối. Biết là mất vệ sinh nhưng cũng không còn cách nào khác vì khoan giếng rất tốn kém. Từ khi công trình đưa vào sử dụng, không riêng gì 2 xóm chúng tôi có nước hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt, các xóm Nà Thềnh, phố 1, phố 2 của xã Thông Huề có đường ống dẫn nước cũng chạy qua cùng được hưởng lợi.

Ông Bế Văn Khái, Bí thư Chi bộ xóm Bản Cưởm, phấn khởi: Nhà nước xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt cho các xóm, bà con rất phấn khởi. Các hộ dân đều đồng tình đóng góp ngày công lao động, đào đất tuyến ống để công trình hoàn thành theo đúng tiến độ. Có nước sạch về xóm, nhà nhà đều vui. Nước sạch góp phần thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân nơi đây, ổn định đời sống, cải thiện môi trường sinh thái, giúp bà con tiếp cận với cuộc sống hiện đại hơn.

Chung niềm vui của bà con xã Thông Huề, hàng loạt các xã vùng cao, như: Nội Thôn, Thượng Thôn, Vần Dính, Tổng Cọt… cũng được đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước hợp vệ sinh cho nhân dân. Chủ tịch UBND xã Nội Thôn (Hà Quảng) Liêu Văn Thắng cho biết: Trước đây, hầu hết các xã vùng Lục Khu (Hà Quảng) đều thiếu nước trầm trọng. Năm nào hạn hán kéo dài, bà con không có nước sử dụng, hằng ngày trông chờ xe ô tô chở nước của huyện, tỉnh đến hỗ trợ từng lít nước. Cây trồng không có nước nên mọc còi cọc… Cả vùng Lục Khu trở thành vùng đất khát trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đời sống đồng bào vùng cao đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Để giải bài toán nan giải về nước sinh hoạt cho nhân dân, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) và lồng ghép từ các nguồn vốn khác, đến nay, Nhà nước đã triển khai xây dựng các công trình nước sinh hoạt cho nhân dân với nhiều hình thức khác nhau. Người dân đã được đầu tư bể chứa nước mưa gần nhà và các hệ thống “hồ treo trên núi đá” làm bằng vải địa kỹ thuật trị giá cả trăm tỷ đồng, có hồ dung tích đến 3.500 m3 phục vụ kịp thời nước sinh hoạt cho các cụm dân cư vùng Lục Khu (Hà Quảng).

Bà Mông Thị Ký, xóm Lũng Lỳ, xã Nội Thôn nhớ những ngày bà và bà con trong xóm phải đi bộ trên 10 km mới quẩy được vài can nước trên vai từ hốc núi về để sinh hoạt. Đồng bào Lục Khu sử dụng nước rất tiết kiệm. Nước dùng rửa mặt, rửa rau sau đó mới đến rửa chân tay rồi chắt lọc để cho trâu, bò uống... Những năm gần đây, nhờ có các chương trình 134, 135, xã chúng tôi có các công trình cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hiện nay, các xóm đã được xây dựng bể các loại. Xung quanh nhà nào cũng có từ lu, bể vuông, bể 1 khối, bể 5 khối. Cả cụm dân cư được đầu tư xây dựng bể lớn chứa 3.000 m3 nước. Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, bà con nơi đây không còn phải lo lắng chắt chiu từng giọt nước để “dành” phục vụ sinh hoạt trong gia đình nữa. Thậm chí nguồn nước đã phần nào đáp ứng việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm của bà con địa phương…

Trao đổi về sự đổi thay tại các xã vùng cao Lục Khu, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Thôn Hoàng Văn Việt khẳng định: Trước hết là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thượng Thôn đã được đầu tư hỗ trợ xây dựng các công trình nước sinh hoạt. Ngoài bể lu chứa nước tại các hộ gia đình, cả xã đã được xây dựng 29 bể nước công cộng dung tích từ 50 - 200 m3 và 1 hồ vải địa dung tích hơn 3.000 m3. Xã đang phấn đấu nâng mức nước sinh hoạt của đồng bào lên 45 lít/người/ngày, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.

PHẤN ĐẤU 90% NGƯỜI DÂN NÔNG THÔN ĐƯỢC SỬ DỤNG NƯỚC SẠCH

Hiện nay, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đang huy động mọi nguồn lực để đưa nước sạch đến với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa…

Theo Trung tâm Nước sạch và VSMTNT, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia VSMTNT và nhiều nguồn vốn khác, Cao Bằng đã triển khai xây dựng được nhiều công trình nước sinh hoạt cho bà con. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh thực hiện được 36 công trình cấp nước hệ tự chảy với tổng nguồn vốn 323 tỷ 796 triệu đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 98 tỷ 863 triệu đồng. Riêng 12 xã vùng Lục Khu được phê duyệt đầu tư 138 tỷ 904 triệu đồng đầu tư xây dựng 14 hồ vải địa với dung tích 36.741 m3; 156 bể chứa nước các loại với dung tích 23.000 m3 (bể xây đá và bể bê tông cốt thép có dung tích từ 50 - 300 m3/bể).

Hiện nay, các công trình vẫn tiếp tục được bố trí nguồn vốn để khởi công xây dựng vào những năm tiếp theo. Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ nhân dân xây dựng hầm bioga; nhà tiêu hợp vệ sinh. Thời gian tới, tỉnh sẽ lồng ghép các nguồn vốn, huy động sức dân để xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh nông thôn. Phấn đấu nâng tỷ lệ dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh lên 90%; 65% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; 60% số hộ chăn nuôi gia súc có chuồng trại hợp vệ sinh; 100% trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã được cấp nước sạch và có nhà tiêu hợp vệ sinh…

Bà con dân tộc Mông bên bể nước vùng cao xóm Thang Sặp, xã Cao Chương (huyện Trà Lĩnh).
Bà con dân tộc Mông bên bể nước vùng cao xóm Thang Sặp,
xã Cao Chương (huyện Trà Lĩnh).
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Bế Nhật Thành cho biết: Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và VSMTNT đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư và được các cấp, các ngành, bà con nhiệt tình tham gia. Qua đó, nâng tỷ lệ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh lên 85%. Đặc biệt tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở vùng cao dần được cải thiện. Bà con ở các xóm, xã vùng cao thuộc các huyện: Hà Quảng, Trà Lĩnh, Hòa An, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm đến nay đã cơ bản đã đáp ứng, nâng khả năng cấp nước từ 15 lít/người/ngày, lên 45 lít/người/ngày trong 6 tháng mùa khô.

Theo ông Thành, để có thêm nhiều công trình được đầu tư mới và phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực của toàn xã hội; xây dựng cơ chế chính sách quản lý, vận hành công trình sau đầu tư; cho nhân dân vay vốn ưu đãi xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh; đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại cấp xóm nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước sạch và bảo vệ môi trường của người dân nông thôn.

Đã có nhiều công trình nước sạch mới hoàn thành đưa vào sử dụng, xuân này đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh hân hoan chào đón năm mới trong niềm vui không còn lo thiếu nước sinh hoạt…                  
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm