Ninh Thuận nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ninh Thuận nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ninh Thuận hiện có trên 161.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 23,3% dân số toàn tỉnh; trong đó nhiều nhất là dân tộc Chămdân tộc Raglai. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn ở mức cao với 11.139 hộ nghèo/51.673 khẩu, chiếm 32,17%; hộ cận nghèo là 5.371 hộ/25.393 khẩu, chiếm 15,51% so với hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh (34.616 hộ/161.010 khẩu). Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất như: trồng mía, bắp lai, bưởi da xanh, mãng cầu; phát triển đàn gia súc có sừng theo hướng lấy thịt, nuôi heo đen đặc sản; mô hình "cánh đồng lớn” sản xuất lúa giống vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước; trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi tại các huyện miền núi Bác Ái, Thuận Bắc... Bên cạnh đó, các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho các hộ vay ốn ưu đãi phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp tục được tỉnh đầu tư, mở rộng.

Người Chăm (xã An Hải, huyện Ninh Phước) sản xuất măng tây xanh cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Người Chăm (xã An Hải, huyện Ninh Phước) sản xuất măng tây xanh cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Năm 2017, bằng các nguồn vốn từ Trung ương và địa phương, tỉnh Ninh Thuận tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các huyện nghèo, các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện thụ hưởng của Chương trình 30a, Chương trình 135 của Chính phủ. Theo đó, tỉnh đã triển khai xây dựng 32 công trình gồm đường giao thông, trường học, thủy lợi, y tế, chợ, điện với kinh phí 18,4 tỷ đồng; duy tu bảo dưỡng các công trình với kinh phí 822 triệu đồng; hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn gần 7 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi. Các địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tăng thu nhập từ hoạt động nông nghiệp, cải thiện đời sống.

Nhờ thực hiện đồng bộ, các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; gần 100% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện; hơn 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% xã có nhà văn hóa xã, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển. Cùng với đó, 100% các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa và các xã đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được thụ hưởng chính sách miễn giảm viện phí, miễn phí thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Các chính sách hỗ trợ cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào củng cố niềm tin với Đảng, Nhà nước.

Mô hình “Cánh đồng lớn” sản xuất lúa giúp người Chăm ở huyện Ninh Phước nâng cao năng suất, thu nhập. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Mô hình “Cánh đồng lớn” sản xuất lúa giúp người Chăm ở huyện Ninh Phước nâng cao năng suất, thu nhập. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận giảm trên 2%/năm; riêng huyện Bác Ái giảm 5%/năm. Tỉnh có 9/37 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Các chương trình đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm thay đổi bộ mặt đời sống, kinh tế, xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Mô hình “Cánh đồng lớn” sản xuất lúa giúp người Chăm ở huyện Ninh Phước nâng cao năng suất, thu nhập. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Mô hình “Cánh đồng lớn” sản xuất lúa giúp người Chăm ở huyện Ninh Phước nâng cao năng suất, thu nhập. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2018, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục huy động và lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc; tập trung phát triển hệ thống thủy lợi ở các vùng khô hạn để phục vụ tưới tiêu, chăn nuôi, xây dựng các công trình cấp nước sạch, chợ, đường giao thông nông thôn. Tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân liên kết sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Mô hình “Cánh đồng lớn” sản xuất lúa giúp người Chăm ở huyện Ninh Phước nâng cao năng suất, thu nhập. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Mô hình “Cánh đồng lớn” sản xuất lúa giúp người Chăm ở huyện Ninh Phước nâng cao năng suất, thu nhập. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hàng hóa, lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các sở, ngành tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất một số cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, làm thay đổi tập quán canh tác, sản xuất theo hướng hiện đại, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm