Ninh Thuận khuyến khích đầu tư công nghệ bảo quản nông sản

Ninh Thuận khuyến khích đầu tư công nghệ bảo quản nông sản
Đóng gói sản phẩm nho, táo đưa vào kho bảo quản lạnh Ảnh: Công Thử - TTXVN
Đóng gói sản phẩm nho, táo đưa vào kho bảo quản lạnh 
Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, được sự hỗ trợ của Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn), công nghệ sơ chế, bao gói bảo quản nho, táo bằng phương pháp bao gói khí điều biến đã được chuyển giao cho ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận để ứng dụng vào sản xuất.

Công nghệ này có ưu điểm kéo dài thời gian bảo quản ở nhiệt độ tối ưu, thích hợp với đặc tính sinh lý của quả nho và táo sau thu hoạch. Khi sử dụng công nghệ này, sản phẩm sau thu hoạch có thể tăng thời gian bảo quản lên đến 60 ngày, trong khi chi phí xử lý, đóng gói sản phẩm thấp, nhưng chất lượng sản phẩm không thay đổi, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn), công nghệ bảo quản nho và táo bằng kỹ thuật bao gói khí điều biến có tác dụng xử lý làm sạch bề mặt nhánh, vỏ quả và diệt cả nấm mốc bằng hệ thống phun nước nóng ở nhiệt độ 50 độ C trong khoảng thời gian 5 phút.

Sản phẩm nho được sơ chế trước khi đóng gói, bảo quản tại kho lạnh Ảnh: Công Thử - TTXVN
 Sản phẩm nho được sơ chế trước khi đóng gói, bảo quản tại kho lạnh 
Ảnh: Công Thử - TTXVN

Tiếp đó sản phẩm sẽ được chuyển sang hệ thống phun chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ, nhằm ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây biến màu và rụng cuống. Sau đó sản phẩm sẽ được chuyển vào kho lạnh để bảo quản và không lo về thời gian, quãng đường vận chuyển đi tiêu thụ.

Nho và táo là hai sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, với tổng diện tích canh tác 2.224 ha, trong đó diện tích trồng nho 1.272 ha; táo 952 ha .

Nho và táo là những loại trái cây trữ nước rất cần bảo quản đúng quy cách để giữ được chất lượng trái cây trong quá trình vận chuyển từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng. Do đó việc sử dụng công nghệ bảo quản chất lượng sản phẩm là hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại nông sản Thái Thuận cho biết, khi chưa có công nghệ bảo quản, sản phẩm nông sản sau khi thu hoạch đưa ra thị trường tiêu thụ rất khó, bởi người tiêu dùng vẫn còn có sự e ngại, chưa tin cậy đối với sản phẩm sau thu hoạch, nhất là trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo nguyên tắc 4 đúng như quy định.

Được Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch hỗ trợ đầu tư, chuyển giao công nghệ, công ty đã đầu tư thêm vốn xây dựng cơ sở sản xuất, mua sắm trang thiết bộ lắp ráp một cách đồng bộ từ băng chuyền thiết bị sơ chế nguyên liệu đến thiết bị làm khô bằng không khí lạnh và kho lạnh bảo quản sản phẩm, được ngành chức năng công nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (loại A).  

Công nghệ sơ chế, bao gói bảo quản nho, táo bằng phương pháp bao gói khí điều biến được Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận ứng dụng vào sản xuất không những đảm bảo độ sạch của nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn góp phần nâng giá trị sản phẩm nông sản.

Sản phẩm nho được bảo quản tại kho bảo quản lạnh Ảnh: Công Thử - TTXVN
Sản phẩm nho được bảo quản tại kho bảo quản lạnh 
Ảnh: Công Thử - TTXVN

Hiện lượng tiêu thụ nông sản nho, táo của công ty này đã tăng lên, đơn đặt hàng của các siêu thị ở các thành phố lớn trong nước đối với sản phầm nho, táo cũng tăng lên rất nhiều.

Tuy nhiên việc ứng dụng, đầu tư nhân rộng công nghệ này cũng còn gặp khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất, chế biến sản phẩm nho, táo chưa mạnh tiềm lực về tài chính để đầu tư, mua sắm công nghệ.

Ông Phan Quang Thựu cho biết, dự án đầu tư công nghệ bảo quản nông sản thuộc chương trình quốc gia, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 70% vốn; đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để áp dụng vào sản xuất.

Tuy nhiên đến nay Ninh Thuận chỉ có một doanh nghiệp là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận đang áp dụng công nghệ này.

Một số doanh nghiệp và khoảng 60 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn, do cần phải có nguồn vốn đối ứng 30% để đầu tư thực hiện, trong khi đó nguồn vốn hỗ trợ 70% của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ còn thời hạn hơn 10 ngày nữa.

Để các doanh nghiệp, các hợp tác xã đón nhận, ứng dụng công nghệ này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản (nho, táo) tiếp cận.

Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng liên kết lại để đầu tư mua sắm dây chuyền công nghệ, áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị nông sản đặc thù của tỉnh./.
Công Thử

Có thể bạn quan tâm