Nhiều ý kiến khác nhau về thi trắc nghiệm môn Toán

Nhiều ý kiến khác nhau về thi trắc nghiệm môn Toán
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, các chuyên gia, nhà khoa học và dư luận đã có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc áp dụng hình thức bài thi trắc nghiệm, đặc biệt đối với môn Toán. 

Đề cập về vấn đề thi trắc nghiệm môn Toán, GS.TS Phùng Hồ Hải, Tổng thư ký Hội Toán học Việt Nam cho biết: Trong cuộc họp của Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam để thảo luận về Dự thảo phương án thi, một số thành viên của Ban chấp hành Hội đã phân tích ba lý do không đồng ý hình thức thi trắc nghiệm môn Toán. Thứ nhất, việc quyết định áp dụng hình thức thi trắc nghiệm môn Toán được đưa ra quá gấp gáp, thiếu sự chuẩn bị về tâm lý và có thể ảnh hưởng tới chất lượng học môn Toán do học sinh chưa quen. 
 
Nhiều ý kiến khác nhau về thi trắc nghiệm môn Toán ảnh 1
Học sinh lớp 12 trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Sơn La ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh Công Luật/TTXVN

Thứ hai, từ góc độ chuyên môn, Hội Toán học Việt Nam không đồng tình với hình thức thi trắc nghiệm môn Toán do hình thức này không phù hợp với yêu cầu đặt ra trong đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Đề án nêu rõ, đối với hình thức thi cử phải chú trọng vào việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng trong giải quyết vấn đề học tập và thực tiễn; hạn chế kỹ năng yêu cầu ghi nhớ máy móc, học tủ. Thứ ba, quyết định thi trắc nghiệm môn Toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo dựa chủ yếu vào kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được thực hiện trong 3 năm qua, trong khi, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ đánh giá khoa học nào về kỳ thi này. 

Sau ý kiến của GS.TS Phùng Hồ Hải, Hội Toán học Việt Nam đã có văn bản gửi báo chí về ý kiến chính thức của Hội đối với phương án thi năm 2017. Theo văn bản này, ngày 12/9, Ban chấp hành Hội đã có buổi họp thảo luận về “Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại cuộc họp, các thành viên tham dự thống nhất sẽ có một băn bản góp ý về dự thảo phương án thi gửi Bộ. Song theo ông Nguyễn Hữu Dư, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam thì hiện nay, văn bản này đang trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chấp hành. Do đó, đến nay, Hội Toán học Việt Nam chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này. 

Ở góc độ cá nhân, ông Nguyễn Hữu Dư, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam nhận định rằng, thi trắc nghiệm hay tự luận đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định, không có phương thức nào ưu điểm hẳn cũng không có phương thức nào nhược điểm hẳn. Vì vậy, trên thế giới vẫn tồn tại song song 2 kiểu thi trắc nghiệm và tự luận chứ không riêng Việt Nam. Điều cần thiết là khi lựa chọn phương thức nào cũng cần có sự chuẩn bị hết sức kỹ càng về nội dung đề thi, phương pháp tổ chức, mục đích sử dụng kết quả, tâm lý của thí sinh và xã hội. Bên cạnh đó, cần có sự tổng kết, đánh giá kết quả của các kỳ thi trắc nghiệm đã tổ chức trước đó để có cơ sở quyết định hình thức thi phù hợp đối với các kỳ thi trong tương lai. 

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, giải thích rõ hơn về hình thức thi trắc nghiệm, cơ quan chức năng của Bộ cho rằng: Thi trắc nghiệm không phải là hình thức mới trên thế giới, chỉ mới với Việt Nam. Trắc nghiệm môn Toán được áp dụng ở các bài thi SAT và ACT của Hoa Kỳ là một ví dụ. Mỗi bài thi này có khoảng hơn 50 câu hỏi Toán hoàn toàn thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan. Hằng năm, mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1800 trường đại học của Hoa Kỳ. 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh. Đề thi trắc nghiệm được thiết kế tốt sẽ đánh giá được nhiều khả năng tư duy, năng lực ở các mức độ khác nhau của người học. 

Cho dù có nhiều cách giải khác nhau trong bài toán cũng cùng đến một kết quả, do vậy khi thiết kế câu hỏi thi, các chuyên gia đã tính toán tối thiểu phải qua bao nhiêu bước tư duy mới giải được và mất tối thiểu bao nhiêu thời gian, nếu có những cách giải sáng tạo để thu ngắn các bước tư duy và thời gian thì các thí sinh này thực sự có năng lực bậc cao để giải quyết hết các câu hỏi trong bài thi. Thực tế, trong các câu hỏi trắc nghiệm khách quan, trong số 4 phương án trả lời thường có 2-3 phương án rất gần nhau, đòi hỏi thí sinh phải suy nghĩ kỹ lưỡng và có lập luận chặt chẽ để chọn câu trả lời chính xác nhất. Do vậy, hình thức thi trắc nghiệm khách quan hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh.

Có thể bạn quan tâm