Nhiều huyện ở Đắk Nông khó khăn vì số học sinh tăng và thiếu giáo viên

Nhiều huyện ở Đắk Nông khó khăn vì số học sinh tăng và thiếu giáo viên
Đắk G’long là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Đắk Nông và là điểm đến sôi động của dân di cư không theo quy hoạch từ các tỉnh phía Bắc. Năm 2018, dân số toàn huyện là hơn 70.000 người, trong đó gần 60% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo ông Vũ Tá Long, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long, từ năm học 2013 – 2014 đến nay, mỗi năm huyện Đắk G’long đều tăng thêm khoảng 1.000 học sinh. Số học sinh này tương đương với hơn 30 lớp học được mở mới với các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất tương đương.

Tuy nhiên, cũng từ năm học 2013 – 2014 đến nay, biên chế ngành giáo dục Đắk G’long vẫn được giữ ổn định. Như vậy, sau 4 năm, huyện Đắk G’long tăng thêm khoảng 4.000 học sinh (tương đương với khoảng 130 lớp học), nhưng số biên chế ngành giáo dục (884 biên chế) vẫn được giữ nguyên. Năm học 2018 – 2019, Đắk G’long phải tinh giản 22 biên chế ngành giáo dục, việc thiếu giáo viên càng thêm gay gắt.

Cô Trần Thị Sâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long) cho biết, do thiếu giáo viên nên nhà trường buộc phải gom học sinh lại. Theo quy định hiện hành, mỗi lớp mầm non chỉ được tối đa 35 trẻ nhưng tại Trường Sơn Ca, lớp cao nhất là 52 trẻ (gấp 1,5 lần). Nhà trường có tất cả 10 lớp học và tổng số 20 giáo viên, nếu giáo viên nào nghỉ dạy thì hiệu phó, hoặc hiệu trưởng phải đứng lớp thay.

Cũng theo ông Vũ Tá Long, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long, kết quả rà soát của các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông xác định tổng số biên chế giáo dục mà huyện đang thiếu là gần 400 giáo viên. Trong đó, chỉ riêng cấp học mầm non đã thiếu gần 200 biên chế. “Đây là một thách thức quá lớn đối với ngành giáo dục huyện Đắk G’long mà bản thân các ngành chức năng của huyện không thể giải quyết nổi. Chúng tôi cố gắng cân đối để đảm bảo công tác dạy học và hiện vẫn còn hàng trăm trẻ trong độ tuổi mẫu giáo (chủ yếu 3 – 4 tuổi) chưa được đến trường.” – ông Vũ Tá Long cho biết.

Tại thị xã Gia Nghĩa, thủ phủ tỉnh Đắk Nông, tổng số học sinh cũng tăng đều qua từng năm (mỗi năm khoảng 1.000 em) và biên chế ngành giáo dục cũng được giữ nguyên 4 năm nay. Năm học 2018 – 2019, thị xã Gia Nghĩa cũng cắt giảm 21 biên chế và chủ yếu số biên chế cắt giảm là của ngành giáo dục.

Bà Phạm Thị Hà, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo Gia Nghĩa cho biết, bên cạnh khó khăn do số lượng học sinh tăng đều đặn qua từng năm, ngành giáo dục thị xã còn gặp nhiều khăn do đặc thù thị xã Gia Nghĩa có cán bộ, công nhân, viên chức nhiều, nên nhu cầu học bán trú (đối với mầm non) và học hai buổi/ngày (đối với tiểu học) cao hơn các địa phương khác trong tỉnh. Hiện toàn thị xã vẫn đang thiếu hơn 100 giáo viên, chủ yếu hai cấp học mầm non và tiểu học.

Theo ông Nguyễn Xuân Đan, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện biên giới Tuy Đức, năm nay tổng số học sinh tăng hơn 1.200 em so với năm học 2017 – 2018. Hiện Tuy Đức đang thiếu gần 120 giáo viên mới đủ đáp ứng nhu cầu dạy học.

Theo Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đắk Nông, các năm qua, tổng số học sinh trên địa bàn tỉnh liên tục tăng. Năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 173.000 học sinh, tăng hơn 7.000 em so với năm học trước. Để đảm bảo việc dạy và học, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh cho hợp đồng gần 400 giáo viên ngoài biên chế để giải quyết khó khăn trước mắt. Về lâu dài, Sở kiến nghị UBND tỉnh “xin” thêm biên chế ngành giáo dục và đang chờ các cấp có thẩm quyền giải quyết.
Hưng Thịnh

Có thể bạn quan tâm