Nhiều chính sách dân tộc thực hiện chưa hiệu quả ở Đắk Nông

Nhiều chính sách dân tộc thực hiện chưa hiệu quả ở Đắk Nông
Ảnh minh họa: Kén tằm chuẩn bị thu hoạch từ tiểu dự án liên kết thị trường trồng dâu nuôi tằm tại Bon B'Srê B, xã Đăk Som (Đăk Nông). Ảnh: daknong.gov.vn
Ảnh minh họa: Kén tằm chuẩn bị thu hoạch từ tiểu dự án liên kết thị trường trồng dâu nuôi tằm tại Bon B'Srê B, xã Đăk Som (Đăk Nông). Ảnh: daknong.gov.vn

Theo Đề án 775, số hộ có nhu cầu hưởng lợi từ chính sách trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là 17.098 hộ; trong đó nhu cầu hỗ trợ đất ở (175 hộ), hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất (133 hộ), đào tạo nghề (354 lao động), hỗ trợ xây dựng mới nước sinh hoạt tập trung (960 hộ)… Tổng kinh phí thực hiện Đề án là hơn 127 tỷ đồng.

Sau khi kết thúc Đề án, mới chỉ có 8.872/17.098 hộ được hưởng lợi từ các chính sách (đạt 52%). Nguồn kinh phí được bố trí thực hiện Đề án là hơn 49,6 tỷ đồng (đạt khoảng 39% kế hoạch), trong đó chủ yếu là ngân sách Trung ương và vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, còn lại ngân sách địa phương không được bố trí.

Đến nay, Đắk Nông đã triển khai được 4/9 nội dung Đề án 775 đã đề ra như: Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất; mua nông cụ, máy móc; nước sinh hoạt phân tán; duy tu, sửa chữa một số công trình nước sinh hoạt tập trung đã được đầu tư từ các chương trình khác… Một số nội dung của Đề án được thực hiện khá tốt như hỗ trợ mua nông cụ, máy móc đạt 92,4%, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đạt 93,5%...

Việc thực hiện Đề án 775 đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa giải quyết phần nào khó khăn về đất sản xuất, nước sinh hoạt góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bà con...

Tuy nhiên, nhiều nội dung quan trọng của Đề án 775 như hỗ trợ đất ở, hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng, hỗ trợ xây dựng mới công trình nước sinh hoạt tập trung… không thực hiện được. Nguyên nhân do các địa phương không còn quỹ đất để bố trí, tỉnh không bố trí ngân sách thực hiện những nội dung này.

Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông đánh giá, việc thực hiện Đề án 775 còn nhiều hạn chế như: Công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp của các cấp, ngành chưa chặt chẽ, nhất là nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các địa phương khi khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người dân để hỗ trợ chưa sát thực tế; chủ quan trong việc xác định nguồn lực thực hiện (quỹ đất, nguồn vốn); việc lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án với đề án này còn hạn chế nên không tập trung được nguồn vốn…

Hiện nay, Đề án 775 đã kết thúc và thay bằng chính sách hỗ trợ mới theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020. Để thực hiện hiệu quả Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc - Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh quan tâm, đôn đốc thường xuyên các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chính sách dân tộc, công tác ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Đối với UBND tỉnh cần tiếp tục quán triệt trong việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ tạo quỹ đất phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho đối tượng hưởng thụ chính sách; hàng năm cân đối ngân sách địa phương đảm bảo đủ thực hiện chính sách theo đề án được phê duyệt. Bên cạnh đó, rà soát kỹ nhu cầu của người dân, cách giải quyết đối với nhu cầu đất ở, nên bố trí vào các dự án định canh, định cư đang triển khai dở dang. Những trường hợp không bố trí được đất sản xuất mà có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp thì hỗ trợ để người dân phát huy hiệu quả nguồn vốn Nhà nước.
Anh Dũng

Có thể bạn quan tâm