Nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn tại tỉnh Bắc Giang

Nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn tại tỉnh Bắc Giang
Theo đó, tỉnh Bắc Giang đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, hình thành ý thức, thói quen của người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, để rác thải đúng nơi quy định. Tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch các điểm tập kết rác thải trên địa bàn các huyện, thành phố phù hợp với thực tế ở từng địa phương; bố trí quy hoạch các khu xử lý rác hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, tỉnh duy trì và phát triển các mô hình xã hội hóa, phấn đấu 100% các xã, thôn, làng thành lập các tổ, đội vệ sinh môi trường thu gom rác thải; đầu tư phương tiện, thiết bị đảm bảo hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải ở địa bàn nông thôn; tranh thủ các nguồn hỗ trợ, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Bắc Giang tăng cường nghiên cứu, áp dụng công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; duy trì mô hình xử lý rác thải quy mô cấp huyện, tiến tới thu hút đầu tư mô hình xử lý rác thải tập trung quy mô cấp tỉnh áp dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hồ Ngạc Hai là hồ nhân tạo có diện tích lớn của huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang vừa được nâng cấp với kinh phí hơn 11,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương. Ảnh: Tùng Lâm - TTXVN
Hồ Ngạc Hai là hồ nhân tạo có diện tích lớn của huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang vừa được nâng cấp với kinh phí hơn 11,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương. Ảnh: Tùng Lâm - TTXVN

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường nông thôn, thời gian tới, UBND các huyện, thành phố ở Bắc Giang dành kinh phí hỗ trợ xây dựng bể chứa ở các khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung, trọng điểm của tỉnh; quy hoạch khu vực lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật trước khi xử lý; bố trí kinh phí xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ và doanh nghiệp hoạt động có phát sinh bao bì thuốc bảo vệ thực vật chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với nhân rộng, phát huy hiệu quả các mô hình về thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật, địa phương ban hành quy định về việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, có thể áp dụng thu phí môi trường đối với sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Theo kết quả điều tra, thống kê trên địa bàn 10 huyện, thành phố của tỉnh Bắc Giang vào tháng 7/2017, tổng khối lượng rác thải phát sinh ở các địa phương này là 812 tấn/ngày, trong đó tại khu vực nông thôn chiếm khoảng 75%. Rác thải sinh hoạt gồm rác thải hữu cơ (chiếm khoảng 80 - 85%), rác thải vô cơ (thủy tinh, kim loại, gốm sứ...) chiếm 15 - 20%, rác thải có thành phần nhựa chiếm 8 - 15%, rác thải nguy hại chiếm từ 1 - 2%. Trong tổng khối lượng rác thải phát sinh/ngày nói trên ở Bắc Giang, khối lượng được thu gom là 604 tấn/ngày (bằng 74% tổng lượng phát sinh); khối lượng chưa được thu gom là 208 tấn/ngày (chiếm 26% tổng lượng phát sinh).

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt đạt hiệu quả tốt như Công ty Môi trường Bích Ngọc ở huyện Lục Nam thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cho địa bàn hai xã và một thị trấn với khối lượng khoảng 7 tấn/ngày; phương pháp xử lý là đốt bằng lò đốt NFI công nghệ Nhật Bản công suất 500 kg/giờ và kết hợp chôn lấp, ủ phân vi sinh. Hợp tác xã môi trường Đồng Phát ở huyện Yên Dũng thu gom, xử lý rác thải cho 4 xã và một thị trấn với khối lượng khoảng 10 tấn/ngày. Hợp tác xã môi trường huyện Việt Yên thu gom, xử lý rác thải với khối lượng khoảng 50 tấn/ngày cho 13 xã và hai thị trấn. Công ty Cổ phần quản lý công trình đô thị Bắc Giang thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt với tổng khối lượng 110 tấn/ngày cho 10 phường và 6 xã.... Ngoài ra, địa bàn tỉnh còn có nhiều hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường, tổ tự quản về môi trường của thôn, xã hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Nổi bật trong số này là một số mô hình thí điểm về phân loại rác tại nguồn, hỗ trợ người dân sử dụng làn đi chợ giảm thiểu sử dụng túi nilon tại huyện Lạng Giang; mô hình của cán bộ, hội viên phụ nữ xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế phân loại rác thải, thu gom rác tái chế bán để lấy quỹ ủng hộ người nghèo...

Từ năm 2015 - 2016, tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm "Tổ dịch vụ bảo vệ thực vật" tại xã Tăng Tiến (huyện Việt Yên) và xã Danh Thắng ( huyện Hiệp Hòa). Thông qua thực hiện mô hình nay, nông dân các địa phương đã được tư vấn  ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có độ độc thấp, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Các địa phương đã được hỗ trợ xây 30 bể đựng vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng, hướng dẫn nông dân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng vào bể chứa, không để thuốc bảo vệ thực vật còn tồn đọng trong bao bì đựng phát tán ra môi trường.
Việt Hùng

Có thể bạn quan tâm