Người Đan Lai ở miền tây Nghệ An

Người Đan Lai ở miền tây Nghệ An
Cán bộ làm công tác dân tộc, Bộ đội Biên phòng đã cùng ăn, cùng ở với người Đan Lai để truyên truyền, vận động đồng bào quen dần với lối sống mới.
Cán bộ làm công tác dân tộc, Bộ đội Biên phòng đã cùng ăn, cùng ở với người Đan Lai để truyên truyền, vận động đồng bào quen dần với lối sống mới. 

Trước đây, tộc người Đan Lai sống quần tụ trong rừng sâu, tách biệt với thế giới bên ngoài, dựa vào thiên nhiên để tồn tại. Khoảng những năm đầu thập niên 80, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An và các cấp chính quyền đã tiếp cận và hỗ trợ tộc người Đan Lai dần hòa nhập với cuộc sống bên ngoài, đưa họ ra sinh sống chủ yếu tại Khe Khặng thuộc 2 bản Cò Phạt và Khe Búng xã Môn Sơn, huyện Con Cuông thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát.

Ban đầu, cuộc sống của người Đan Lai rất khó khăn,  phương thức sinh sống  của họ chủ yếu là săn bắn, hái lượm, phát rừng làm rẫy nên nghèo đói quanh năm. Hủ tục tảo hôn và kết hôn cận huyết thống quấn lấy họ khiến cho tộc người này có nguy cơ suy thoái giống nòi. Tuổi thọ trung bình của người Đan Lai chỉ khoảng 50 tuổi, dáng người nhỏ, thấp bé, trình độ dân trí thấp, hạn chế về giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài.
 
Có đường đi lại, cuộc sống của người Đan Lai đổi thay từng ngày.
Có đường đi lại, cuộc sống của người Đan Lai đổi thay từng ngày.
Có điện lưới quốc gia, đời sống vật chất và tinh thần của người Đan Lai ngày một khởi sắc.
Có điện lưới quốc gia, đời sống vật chất và tinh thần của người Đan Lai ngày một khởi sắc.
 
Đồng bào Đan Lai được thăm khám bệnh tại Trạm quân y đóng tại bản Cò Phạt.
Đồng bào Đan Lai được thăm khám bệnh tại Trạm quân y đóng tại bản Cò Phạt. 

Trước thực trạng tộc người Đan Lai bị mai một, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã có những kế hoạch, phương án, trợ giúp đồng bào ổn định cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo, hủ tục, bảo tồn giống nòi. Năm 2001, UBND tỉnh Nghệ An đã có dự án di rời cộng đồng người Đan Lai ra khỏi vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát nhằm nâng cao đời sống kinh tế, tạo điều kiện cho người Đan Lai hòa nhập với cộng đồng, hưởng thụ những thành quả phát triển kinh tế của đất nước. Đặc biệt, từ khi có Quyết định số 280/QĐ – TTg ngày 16/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ nhằm “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An”, được đầu tư hỗ trợ phát triển, đời sống của bà con Đan Lai đã đổi thay, họ đã biết làm kinh tế, ít dựa vào tự nhiên, biết áp dụng khoa học vào sản xuất, các hủ tục dần được hạn chế. 
 
Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An luôn sát sao với đời sống của đồng bào Đan Lai.
Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An luôn sát sao với đời sống của đồng bào Đan Lai. 

Vượt quãng đường hơn 40 km từ trung tâm huyện Con Cuông, chúng tôi đến với bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (huyện Con Cuông), vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát, nơi có 112 hộ và gần 500 khẩu người Đan Lai đang sinh sống. Những đứa trẻ Đan Lai lúc đầu nhìn thấy ống kính máy ảnh còn sợ sệt và né tránh, nhưng sau những phút làm quen thì bọn trẻ có vẻ thích thú với chiếc máy ảnh và tỏ ý muốn khám phá chiếc máy ảnh của chúng tôi.

Tháng 3/2018, điện lưới Quốc gia đã kéo được về đến bản Cò Phạt, người dân đã được tiếp cận với các thiết bị nghe nhìn và có điện phục vụ sản xuất khiến cuộc sống của đồng bào đỡ vất vả hơn. Được các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đóng trên địa bàn giúp đỡ, “cầm tay chỉ việc”, đồng bào Đan Lai đã canh tác lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại rau, đậu, tự sản xuất hàng hóa để giảm dần sự lệ thuộc và tự nhiên, chủ động được cuộc sống của mình. Trẻ em Đan Lai cũng đã được đến trường đầy đủ với điểm trường tiểu học và mầm non đóng ngay tại bản. Bà con ốm đau đã có trạm y tế quân y thăm khám, cấp thuốc kịp thời. Đặc biệt, bản Cò Phạt đã có chi bộ Đảng với 8 đảng viên làm nòng cốt trong việc gương mẫu phát triển kinh tế gia đình và tuyên truyền tới bà con những chính sách mới của Đảng và Nhà nước.

Anh La Văn Tám – Trưởng bản Cò Phạt cho biết: “Cuộc sống của người Đan Lai trước đây rất khó khăn, địa lý cách trở,  bà con sống chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, tỷ lệ đói nghèo là 100%. Được nhà nước quan tâm hỗ trợ phát triển về cơ sở hạ tầng, được hướng dẫn phương thức làm kinh tế nên bà con Đan Lai đã có cuộc sống ổn định hơn, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm còn 50%”.
 
Con em người Đan Lai được đến trường học đầy đủ.
Con em người Đan Lai được đến trường học đầy đủ. 
 
Người Đan Lai hôm nay đã quen với trồng cây lúa nước, biết tận dụng diện tích đất liền bãi để trồng cây ăn quả.
Người Đan Lai hôm nay đã quen với trồng cây lúa nước, biết tận dụng diện tích đất liền bãi để trồng cây ăn quả. 

Thực hiện chủ trương của Nhà nước để bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai sinh sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, 78 hộ dân với 531 nhân khẩu đồng bào Đan Lai đã được di dời đến vùng đất mới để phát triển kinh tế ở 3 bản tái định cư Tân Sơn, Cửa Rào (xã Môn Sơn) và bản Thạch Sơn (xã Thượng Ngàn) huyện Con Cuông. Về bản mới, bà con Đan Lai được hỗ trợ xây nhà ở kiên cố, được cấp đất để tăng gia sản xuất trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm, điện lưới được kéo về từng nhà, đường bê tông sạch sẽ thuận lợi cho việc trao đổi, lưu thông, giao thương hàng hóa với đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn. Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, 100% đồng bào Đan Lai được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, con em đồng bào Đan Lai đã theo học lên đến Đại học…

Bà La Thị Tính ở bản tái định cư Tân Sơn (xã Môn Sơn) chia sẻ: “Gia đình tôi đã được di dời ra bản mới 16 năm rồi, được hỗ trợ nhà ở, phương thức sản xuất, cuộc sống gia đình tôi đã đủ ăn, không còn đói nữa, đường xá thuận tiện hơn giúp chúng tôi có điều kiện trao đổi giao lưu với bà con đồng bào các dân tộc khác, có nhiều thông tin về cuộc sống hơn, thực hiện được nếp sống văn minh, con cái được học hành đầy đủ”. 
 
78 hộ dân với 531 nhân khẩu người Đan Lai đã được di dời đến các bản tái định cư mới. Tại nơi ở mới, đồng bào được hỗ trợ nhà ở, cấp đất sản xuất.
78 hộ dân với 531 nhân khẩu người Đan Lai đã được di dời đến các bản tái định cư mới. Tại nơi ở mới, đồng bào được hỗ trợ nhà ở, cấp đất sản xuất. 

Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn về vật chất và tinh thần, nhưng giờ đây, những đổi mới về cả nhận thức và phương thức làm ăn ở tộc người Đan Lai đang ngày một hình thành rõ nét hơn. Với sự sát cánh của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, sự chia sẻ của cộng đồng, đời sống của người Đan Lai nơi miền Tây Nghệ An đang dần ổn định, ấm no.
      Hoàng Tâm – Nam Sương

Có thể bạn quan tâm