Ngôi nhà chung của dân bản Pô Tô

Ngôi nhà chung của dân bản Pô Tô
Niềm vui của bà con dân bản Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu) trong Lễ khánh thành Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung. Ảnh: nhandan.com.vn
Niềm vui của bà con dân bản Pô Tô, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu) trong Lễ khánh thành Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung. Ảnh: nhandan.com.vn

Dọc con đường bê-tông sạch sẽ dẫn tới trung tâm UBND xã Huổi Luông cờ hoa rực rỡ, tiếng nhạc rộn ràng, mọi người như xích lại gần nhau hơn trong ngày hội đoàn kết giữa hai bản biên giới Pô Tô (Việt Nam) và Cửa Cải, trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ngay từ sáng sớm, các chàng trai, cô gái cùng các cháu học sinh người dân tộc Hà Nhì, Mông, Dao... trong trang phục truyền thống của dân tộc mình có mặt đông đủ tại Nhà văn hóa hữu nghị để tranh thủ tập lại những điệu múa, lời ca, tiếng sáo, tiếng khèn, chuẩn bị cho chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ với những người bạn đến từ bên kia biên giới. Ông Lý A Khớ, Trưởng bản Pô Tô và ông Cao Hải, Trưởng bản Cửa Cải là những người bận rộn hơn cả. Ngày khánh thành Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung hôm ấy cũng đúng dịp hai bản tổ chức sơ kết ba năm thực hiện mô hình kết nghĩa cụm dân cư biên giới. Vì vậy, hai ông vừa tranh thủ thống nhất lại nội dung, chương trình, vừa tích cực chỉ đạo các bộ phận làm tốt công tác chuẩn bị cho hoạt động giao lưu.

Cùng các đại biểu tham quan một vòng, chúng tôi vui lây với niềm hân hoan của đồng bào các dân tộc nơi đây, khi được chứng kiến một công trình văn hóa kiên cố, khang trang, rộng rãi, đẹp mắt, với đầy đủ các trang, thiết bị, tọa lạc giữa trung tâm xã biên giới Huổi Luông, sẵn sàng đi vào hoạt động. Toàn bộ công trình có tổng diện tích 1.620 m2, gồm nhà văn hóa loại cấp 4, năm gian, rộng 200 m2, cùng đầy đủ các công trình phụ trợ khác như: bếp ăn, sân, vườn, tường bao quanh..., với tổng giá trị gần năm tỷ đồng.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng cho biết, công trình Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt-Trung triển khai xây dựng tại bản Pô Tô, xã Huổi Luông do Bộ Quốc phòng hỗ trợ kinh phí, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thi công. Ngay trước ngày khánh thành, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương và phía bạn Trung Quốc đã dành tặng toàn bộ hệ thống bàn ghế, âm thanh, khánh tiết. Công trình đưa vào sử dụng sẽ phục vụ hiệu quả các hoạt động phối hợp theo chương trình kết nghĩa giữa nhân dân hai bản; tổ chức các cuộc giao lưu cũng như kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm của hai nước; góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa hai bên, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Ông Lý A Khớ, Trưởng bản Pô Tô phấn khởi cho biết: Trước đây, mỗi khi tổ chức họp bản để tuyên truyền pháp luật, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương hay tiến hành các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với bản kết nghĩa Cửa Cải, đại diện 72 hộ gia đình của bản Pô Tô đều tập trung tại nhà trưởng bản, điều kiện về cơ sở vật chất không bảo đảm. Công trình Nhà văn hóa hữu nghị khánh thành, đi vào hoạt động sẽ là nơi sinh hoạt cộng đồng thiết thực đối với dân bản Pô Tô, cũng như đồng bào các dân tộc trong toàn xã. Bà con chúng tôi trân trọng biết ơn Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng đã quan tâm, xây tặng địa phương công trình vô cùng ý nghĩa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nơi địa đầu Tổ quốc.

Đề cập vấn đề này, ông Cao Hải, Trưởng bản Cửa Cải (Trung Quốc) cũng bày tỏ: “Công trình văn hóa này sẽ giúp cho hoạt động phối hợp giữa hai bản Pô Tô - Cửa Cải càng thêm hiệu quả, tinh thần đoàn kết của bà con hai bên biên giới mỗi ngày thêm bền chặt, từ đó cùng có trách nhiệm giữ gìn sự bình yên cho tuyến biên giới hai nước chúng ta”.

Qua ba năm thực hiện mô hình kết nghĩa cụm dân cư biên giới, hai bản Pô Tô (Việt Nam) và Cửa Cải (Trung Quốc) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hai bên thường xuyên duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, tích cực giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; truyền đạt kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ cây giống, tiêu thụ chuối và các sản phẩm nông nghiệp khác. Hai bản thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ lành mạnh, bổ ích vào các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của mỗi nước; cùng quyết tâm bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, an ninh thôn bản.

Theo nhandan.com.vn
nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm