Nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây ăn quả thích ứng biến đổi khí hậu

Nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây ăn quả thích ứng biến đổi khí hậu
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Việt trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, Viện đã nghiên cứu, đúc kết thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật mới có giá trị áp dụng trong thực tế thâm canh cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong khu vực. Đó là các tổ hợp giống gốc ghép chống chịu với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt: Cam mật không hạt trên gốc ghép cam mật chịu phèn thích hợp vùng Đồng Tháp Mười và những nơi có điều kiện tương tự; tổ hợp cam sành ghép trên gốc ghép chịu hạn phù hợp với vùng bán khô hạn, thiếu nước tưới khu vực vùng biên giới An Giang; tổ hợp giống cây có múi trên gốc ghép chịu mặn phù hợp các địa bàn ven biển Nam bộ; tổ hợp cây có múi trên gốc ghép chống chịu bệnh thối rễ; các giống lai tạo mới có nhiều ưu điểm về năng suất, sản lượng và chất lượng. 
Chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ ở xã Trung Hòa, Chợ Gạo.Ảnh: Minh Trí - TTXVN
 Chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ ở xã Trung Hòa, Chợ Gạo.Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Viện Cây ăn quả Miền Nam đã lai tạo thành công gần 20 giống cây trồng có ưu thế thích ứng với biến đổi khí hậu vừa mang lại hiệu quả sản xuất lớn cho nông hộ Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: giống cây ăn quả, cây rau màu, cây lan, hoa và cây cảnh. Các giống mới trên đã được chuyển giao cho các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đưa vào cơ cấu sản xuất, phục vụ mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu tại các tỉnh trong vùng. 

Đơn cử như giống thành long ruột đỏ Long Định 1 đang được nông dân các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, Tây Ninh… chuộng trồng nhờ năng suất cao, chất lượng tốt, thị trường trong nước và xuất khẩu ưa chuộng. Ước tính diện tích thanh long ruột đỏ đã phát triển lên 7.000 ha. Tại Tiền Giang, đã hình thành vùng chuyên canh thanh long trên 4.400 ha tại huyện Chợ Gạo trong đó có 1.200 ha thanh long ruột đỏ. 

Tuy mới đưa vào cơ cấu sản xuất nhưng diện tích thanh long ruột đỏ ở Tiền Giang tăng nhanh nhờ giá trị kinh tế cao. Nếu thanh long ruột trắng thời gian qua giá dao động từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/kg bình quân thì giá thanh long ruột đỏ bình quân từ 20.000 đồng đến 60.000 đồng/kg, gấp 2 đến 3 lần thanh long ruột trắng. Mới đây, Viện đã nghiên cứu lai tạo thành công giống thanh long ruột tím hồng. Giống thanh long mới này đã được chuyển nhượng cho một đối tác chuyên canh thanh long ở Bình Thuận với giá 2 tỉ đồng. 

Đối với giống cam sành không hạt, Viện chuyển giao hàng chục ngàn cây giống phục vụ vùng trồng cây chuyên canh các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng. Giống lan cấy mô trung bình cung ứng mỗi năm trên 50.000 cây giống phục vụ nhu cầu trồng hoa cảnh ở các tinh Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ…Đáng chú ý, cùng với nghiên cứu, lai tạo và cung ứng giống cây ăn quả phù hợp đặc thù sinh thái vùng, Viện Cây ăn quả Miền Nam cũng coi trọng chuyển giao qui trình canh tác tiên tiến để nông dân khắc phục khó khăn, thâm canh đạt hiệu quả kinh tế: Quy trình và tiến bộ kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ trên nhóm cây ăn quả chủ lực như: thanh long, chôm chôm, cây có múi, sầu riêng,...; Quy trình trồng ổi xen trong vườn cây có múi nhằm quản lý bệnh Vàng lá Greening; ứng dụng chế phẩm sinh học do Viện sản xuất như: SOFRI Trừ kiến, SOFRI Protein, SOFRI Trichoderma,…trong quản lý nhiều đối tượng dịch hại: ruồi đục quả, rệp sáp, kiến, bệnh thối rễ trên cây trồng,…Đặc biệt là chuyển giao qui trình canh tác theo tiêu chí VietGAP nhằm mở ra lộ trình hội nhập và chầp cánh cho các thương hiệu trái cây nổi tiếng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bay xa. 

Thông qua hoạt động tư vấn, hướng dẫn và trực tiếp tham gia xây dựng, đến nay, toàn vùng đã có 400 ha cây ăn quả các loại được công nhận đạt tiêu chí VietGAP. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay Viện Cây ăn quả Miền Nam phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) và lãnh đạo các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bưởi da xanh trên diện tích khoảng 300 ha. Sắp tới, để ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và mang lại nhiều hệ lụy, Viện Cây ăn quả Miền Nam tiếp tục hợp tác với các địa phương chuyển giao quy trình xử lý ra hoa trái vụ để đảm bảo thu hoạch rải vụ, tránh tình trạng được mùa mất giá; phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh đáp ứng thị trường xuất khẩu, giải quyết nguồn giống tốt, sạch bệnh phục vụ sản xuất ở những vùng khó khăn.../. 
 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm