Nghệ An sẽ thu hút 40 - 50% lao động nông thôn tham gia Hợp tác xã

Nghệ An sẽ thu hút 40 - 50% lao động nông thôn tham gia Hợp tác xã
Nghệ An tập trung củng cố, đổi mới hợp tác xã về tổ chức, quản lý và hoạt động theo mô hình kiểu mới. Tỉnh coi các hợp tác xã không chỉ là tổ chức kinh tế hợp tác tự nguyện mà là đơn vị kinh tế hoạt động trong nền kinh tế thị trường.

Địa phương khuyến khích thành lập các hợp tác xã mới đi đôi với việc chuyển đổi ngành nghề, mở rộng quy mô phạm vi hoạt động của các hợp tác xã hiện có. Nghệ An ưu tiên phát triển kinh tế hợp tác xã trong các xã điểm xây dựng nông thôn mới và coi trọng việc lựa chọn, phổ biến, giới thiệu sâu rộng các mô hình điển hình hợp tác xã kiểu mới trong các lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác để nhân dân chủ động liên kết hình thành các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, từ năm 2013 đến nay, 168 hợp tác xã được thành lập mới nâng tổng số hợp tác xã lên 617; thu hút trên 59.622 lao động làm việc thường xuyên.

Các hợp tác xã cung ứng dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân đồng thời giải quyết nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, duy trì ngành nghề truyền thống và phát triển một số ngành nghề mới. Tuy nhiên, hiện chỉ có 442 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, chiếm 46%.

Thực tế hoạt động của Hợp tác xã tại Nghệ An bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã còn nhiều bất cập; trình độ, năng lực hạn chế so với các thành phần kinh tế khác. Nhiều hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ, lạc hậu về công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật thấp kém, chất lượng sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, ít hợp tác xã khẳng định được thương hiệu sản phẩm trên thị trường.

Việc thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích người có năng lực làm việc trong các hợp tác xã chưa thực sự hiệu quả. Một bộ phận những người tham gia quản lý hợp tác xã chưa yên tâm làm việc lâu dài. Trong khi đó, một số ngành kinh tế quan trọng có tiềm năng như thủy sản, kinh tế trang trại, ngành nghề nông thôn lại ít có hợp tác xã.

Khắc phục tình trạng trên, cùng với các giải pháp liên quan đến củng cố, đổi mới hợp tác xã, tỉnh Nghệ An chú trọng công tác quản lý nhà nước đối với khu vực hợp tác xã; thống nhất phân công chỉ đạo, quản lý và theo dõi các loại hình hợp tác xã đối với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện, có chương trình giám sát kiểm tra hàng năm.

Nghệ An đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 80% số xã có ít nhất một hợp tác xã hoạt động  hiệu quả theo tiêu chí nông thôn mới; 100% cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ hợp tác xã được đào tạo bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế hợp tác xã. Hàng năm đào tạo nghề cho xã viên và người lao động khu vực hợp tác xã 2.000 – 3.000 người, đưa thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong hợp tác xã tăng 15 - 20%/năm.
Nguyễn Văn Nhật 

Có thể bạn quan tâm