Ngành ngân hàng Ninh Thuận tăng tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn

Ngành ngân hàng Ninh Thuận tăng tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn
Măng tây đang là một trong những cây trồng giúp nông dân Ninh Thuận thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
 Măng tây đang là một trong những cây trồng giúp nông dân Ninh Thuận thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Ông Hồ Chu Vân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho biết, để nông nghiệp, nông thôn phát triển thì bài toán về vốn đầu tư là rất quan trọng; qua đó mới tạo đòn bẩy để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo đúng tinh thần Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ninh Thuận có tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Từ năm 2016 - 2018, địa phương có 547 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, chiếm 19% tổng số doanh nghiệp trong tỉnh; trong đó có 70 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp; 468 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; 9 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực lâm nghiệp. Ngoài ra còn có 53 hợp tác xã đang hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 73,6% tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh (72 hợp tác xã). Ông Hồ Chu Vân cho biết thêm, để tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp nông nghiệp ở Ninh Thuận phát triển, từ nay đến năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Ninh Thuận sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn nói chung; đồng thời tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù như cho vay đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; vay mở rộng quy mô sản xuất gắn với tăng hiệu quả sản xuất, tăng năng suất, nâng cao thu nhập, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích; tạo chuyển biến rõ rệt về mở rộng quy mô sản xuất bình quân của hộ và ứng dụng khoa học công nghệ đối với các sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp, thủy sản… Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, bền vững; phát triển nông thôn gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, tăng thu nhập và cải thiện căn bản điều kiện sống của cư dân nông thôn, góp phần hình thành một số ngành sản xuất, kinh doanh chủ lực của tỉnh. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận đề nghị, các tổ chức tín dụng ở địa phương nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp; đồng thời đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Ngoài ra, khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển mở rộng mạng lưới hoạt động trên địa bàn, nghiên cứu thực hiện chính sách phù hợp, tập trung ưu tiên phát triển vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng vốn và các dịch vụ ngân hàng một cách thuận lợi, nhanh chóng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, để làm cơ sở cho ngân hàng tăng đầu tư vốn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chú trọng các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vay tín chấp, thế chấp tài sản; đồng thời hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn theo chuỗi; hỗ trợ thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như hiệu quả đầu tư. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, qua 3 năm (2016 - 2018) triển khai Nghị định 55 của Chính phủ, các tổ chức tín dụng ở địa phương đã cho vay với doanh số hơn 24.550 tỷ đồng, chiếm 23,5% trong tổng doanh số cho vay nền kinh tế của tỉnh cùng giai đoạn.
Công Thử  

Có thể bạn quan tâm