Ngân hàng sữa mẹ - nhu cầu bức thiết của xã hội

Ngân hàng sữa mẹ - nhu cầu bức thiết của xã hội
* Nguy hiểm tiềm ẩn từ xin – cho sữa mẹ tự phát   
Mất sữa sau một tháng sinh con, chị Phạm Thị Huyền, ngụ tại chung cư Phú Lợi, quận 8 đã quyết định đi xin sữa cho con bởi chị mong muốn con mình được bú sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời. Ban đầu, chị chỉ dám xin sữa của một người bà con, sau đó mở rộng ra xin của bạn bè, người quen và lâu dần khi nhu cầu uống sữa của con ngày càng tăng, chị phải xin thêm từ các bà mẹ khác trên mạng xã hội. “Con mình đến 18 tháng vẫn còn được uống sữa mẹ nhờ sự sẻ chia, tình yêu thương của những bà mẹ khác như thế, và mình rất vui vì điều đó”, chị Huyền bộc bạch.   
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng (áo đỏ) kiểm tra dụng cụ vắt, trữ sữa dành cho công nhân nữ. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng (áo đỏ) kiểm tra dụng cụ vắt, trữ sữa dành cho công nhân nữ. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN

Chị Phạm Thị Thanh Dung, ngụ tại đường D1, quận Bình Thạnh được các bà mẹ trong Hội sữa mẹ gọi là “siêu mẹ sữa”. Mỗi ngày, sau khi cho con bú, chị Dung còn hút được thêm 1,8 lít sữa. Số sữa còn dư được chị cho vào túi trữ, bảo quản trong tủ lạnh chuyên dụng và dành tặng cho những em bé không có cơ hội được bú sữa mẹ. 
   
Mới đây, chị Lê Huyền Trang ngụ tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã lập tủ sữa mẹ miễn phí dành tặng cho những em bé không được bú sữa mẹ. Ước tính mỗi ngày, tủ sữa của chị Trang chuyển đi 100 bịch sữa đến với các bé cần sữa mẹ. Một số bà mẹ ở các tỉnh lân cận cũng tìm đến tủ sữa miễn phí của chị Trang để xin sữa cho con.   
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nguyễn Thị Thu Hồng (bên trái) tham quan phòng vắt, trữ sữa cho công nhân nữ. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nguyễn Thị Thu Hồng (bên trái) tham quan phòng vắt, trữ sữa cho công nhân nữ. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN

Hành động chia sẻ sữa mẹ của các bà mẹ rất nhân văn và đáng trân trọng. Tuy nhiên, sữa mẹ được các bà mẹ xin của nhau hoặc phát từ tủ sữa miễn phí tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm khó lường.  

Theo bác sỹ Hoàng Thị Tín, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, quá trình hút, trữ sữa, quá trình vận chuyển, rã đông, nếu thực hiện không đúng cách có thể làm cho sữa mẹ bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ.  

Bên cạnh đó, các bệnh lao, viêm gan siêu vi B, HIV hoàn toàn có thể lây truyền từ mẹ sang con qua đường sữa mẹ. Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo: Nguy hiểm nhất là nhiều bà mẹ nghĩ rằng mình không mắc bệnh nhưng một số bệnh như lao, viêm gan siêu vi B thường diễn ra âm thầm và chỉ phát hiện được khi tiến hành xét nghiệm thôi. 

Các chuyên gia y tế cũng cho biết, với những bà mẹ có thói quen uống cà phê, hoặc mẹ có bệnh nền nhưng không phải là bệnh truyền nhiễm hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh…, chất lượng sữa cũng bị tác động và những em bé uống nguồn sữa đó cũng dễ bị ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe và sự phát triển.   

Khai trương phòng vắt, trữ sữa tại công ty TNHH Powerlogics Vina. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
Khai trương phòng vắt, trữ sữa tại công ty TNHH Powerlogics Vina. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
* Ngân hàng sữa mẹ - nhu cầu bức thiết của xã hội   
Là thành phố có dân số đông nhất nước tuy nhiên hiện tại các bệnh viện sản nhi của Thành phố Hồ Chí Minh như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2…mới chỉ xây dựng khu vực trữ sữa nhằm phục vụ nhu cầu gửi sữa của các bà mẹ cho chính con của mình. Ngân hàng sữa mẹ vẫn là điều mà nhiều bà mẹ ao ước. Chị Lê Thị Kim Cúc, một sản phụ vừa sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ: “Mình sinh mổ nên 3 ngày sau sữa mới về, vì thế con mình không được bú mẹ ngay từ khi mới sinh, đành phải cho bé uống sữa công thức. Nếu có ngân hàng sữa mẹ, con mình được bú sữa mẹ ngay từ đầu rồi”.       

Bác sỹ Hoàng Thị Tín, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh rất cần có các ngân hàng sữa mẹ bởi nhu cầu rất lớn và nhận thức về sữa mẹ trong cộng đồng đang có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Lập ngân hàng sữa mẹ tại các bệnh viện phụ sản là phù hợp nhất. Tuy nhiên, quy trình để có được sữa mẹ an toàn không hề đơn giản, chi phí cao, do vậy rất cần sự hỗ trợ của cả cộng đồng mà trước hết là từ các bà mẹ đang dư sữa.
    
Đồng tình với quan điểm trên, bác sỹ Trương Hữu Khanh cũng cho rằng, việc lập ngân hàng sữa mẹ tại một số bệnh viện phụ sản lớn là rất cần thiết bởi mọi đứa trẻ mới ra đời dù trong hoàn cảnh nào cũng cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 72 giờ đầu.   
Công nhân nữ được các chuyên gia hướng dẫn cách vắt, trữ sữa đúng quy trình đảm bảo chất lượng dành cho con em mình. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
Công nhân nữ được các chuyên gia hướng dẫn cách vắt, trữ sữa đúng quy trình đảm bảo chất lượng dành cho con em mình. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN

Mới đây, ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam được thành lập tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng nhằm cung cấp sữa mẹ, hỗ trợ chăm sóc điều trị cho 3.000 đến 4.000 trẻ mỗi năm. Theo đó, ngân hàng sữa mẹ này sẽ thu thập, thanh trùng, xét nghiệm và bảo quản an toàn sữa mẹ từ những người hiến tặng và cung cấp cho nhóm trẻ có nhu cầu, đặc biệt là trẻ non tháng, nhẹ cân, hoặc trẻ có bệnh lý. Ngân hàng sữa mẹ cũng bảo vệ, khuyến khích và tư vấn hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ. 

Chia sẻ về mô hình ngân hàng sữa mẹ,  Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) Trần Đăng Khoa cho biết đây chính là cơ sở để Bộ Y tế xem xét mở rộng triển khai Ngân hàng sữa mẹ ra các cơ sở y tế khác trên toàn quốc. Theo thống kê, hiện trên thế giới có khoảng 550 ngân hàng sữa mẹ./.    
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm