Mô hình hợp tác xã nuôi bò sữa giúp đồng bào Khmer thoát nghèo

Mô hình hợp tác xã nuôi bò sữa giúp đồng bào Khmer thoát nghèo
Theo ông Trần Hoàng An, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth, được thành lập từ năm 2004, đến nay Hợp tác xã đã có gần 2.300 xã viên (đại diện hộ gia đình) ở địa bàn thuộc 3 huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Châu Thành và thành phố Sóc Trăng.  

Tổng đàn bò sữa của các xã viên Hợp tác xã có gần 6.100 con; trong đó, có gần 2.000 con đang cho sữa; lượng sữa mỗi ngày hợp tác xã thu mua cho xã viên khoảng 26 tấn sữa tươi.

Ngoài thu mua sữa cho xã viên, hợp tác xã còn làm dịch vụ đầu vào, hỗ trợ cho xã viên chăn nuôi bò sữa thật tốt với toàn bộ dịch vụ được trả chậm qua tiền sữa, đồng thời không phát sinh lãi suất trên công nợ.

Mô hình hợp tác xã nuôi bò sữa giúp đồng bào Khmer thoát nghèo ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn Công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT thăm cơ sơ thu mua sữa tươi của HTX Evergrowth. Ảnh: Trung Hiếu

Làm việc với Ban lãnh đạo, tập thể cán bộ nhân viên Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hợp tác xã hiện nay hoạt động khá tốt, có hiệu quả. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc, không nên chạy theo quy mô số lượng, đầu tư dàn trải mà quên đi chất lượng, hiệu quả.

Đồng thời, cần xem xét, rà soát tổng thể,có sự phân loại xã viên để có hướng hỗ trợ, đầu tư phù hợp từng nhóm đối tượng xã viên có hiệu quả hơn. Về lâu dài, phải tính đến việc đa dạng sản phẩm từ sữa, phát huy những sản phẩm phụ ngoài sữa như bò thịt, bò giống, sản phẩm chế biến từ sữa...

Về các kiến nghị của hợp tác xã như cần có vùng nguyên liệu 200 ha đất để trồng cỏ, trồng ngô làm thức ăn cho bò, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn cho bò và nhà máy chế biến sữa…, Bộ trưởng Cường thống nhất về chủ trương và giao cho lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng theo dõi, chỉ đạo để thực hiện và hỗ trợ cho hợp tác xã. Nhưng phải chú trọng đến công nghệ, máy móc, đầu tư phải có chất lượng, không được sử dụng công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Đoàn công tác cũng đã thăm 2 mô hình chăn nuôi bò sữa của hộ gia đình theo quy mô trang trại mỗi mô hình nuôi từ trên 10 con đến gần 100 con bò sữa.

Qua khảo sát và trao đổi với các chủ hộ chăn nuôi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, người nuôi bò sữa cần chú trọng hiệu quả, chất lượng, hạn chế qui mô nuôi nhiều nhưng dàn trải không hiệu quả. Bộ trưởng cũng động viên bà con cố gắng phấn đấu tăng gia sản xuất, tính toán trong điều kiện phù hợp; chăn nuôi phải chú trọng chất lượng hàng đầu và đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, có sự hợp tác, chia sẻ hỗ trợ nhau cùng đạt hiệu quả, lợi nhuận cao và mang tính bền vững. 

Có thể bạn quan tâm