Luật tục giữ rừng của người Hà Nhì

Luật tục giữ rừng của người Hà Nhì

Chỉ được lấy củi khô

Luật tục giữ rừng của người Hà Nhì hàng năm đều được dân làng cùng nhau bàn bạc thống nhất trong lễ cúng rừng dịp đầu năm và được thầy cúng trịnh trọng đọc trước lễ cúng ở rừng thiêng, cho nên luật tục vừa mang sức mạnh thống nhất ý chí của cả cộng đồng, vừa mang sức mạnh của thần linh với những lời thề trước các vị thần. Các quy định, quy ước bảo vệ rừng vì thế trở thành mệnh lệnh linh thiêng buộc cả cộng đồng tuân thủ. 

Luật tục người Hà Nhì quy định, bất cứ ai vi phạm rừng cấm, rừng thiêng cũng đều bị xử phạt nặng. Đã là rừng thiêng, rừng cấm thì không ai được bén mảng, kể cả cây khô, cây đổ cũng để nguyên hiện trạng. Ai lớ xớ vào đó làm bậy, làm ô uế rừng thiêng cũng bị xử phạt. Nếu anh là người lạ đến cộng đồng Hà Nhì, anh vô tình đại tiện, hay tiểu tiện nơi rừng thiêng, mà dân Hà Nhì bắt được thì cũng bị phạt. Do không biết thì phạt nhẹ hơn, chỉ một con gà và một chai rượu. Nếu là dân Hà Nhì đã thông tỏ luật tục mà còn vi phạm thì sẽ phải nộp cho làng  36kg thóc.

Luật tục giữ rừng của người Hà Nhì  ảnh 1

Rừng cấm Gà Ma Dó của bản Lao Chải (bản Già – xã Y Tý, Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: Dân trí

Nếu cần gỗ để làm nhà, hộ dân đó phải xin phép kiểm lâm thôn. Kiểm lâm thôn báo cáo già làng, trưởng thôn. Anh đăng ký xin khai thác 4 cây thì chỉ được chặt đúng 4 cây ở khu rừng được phép khai thác. Thậm chí có nơi còn quy định rõ,  làm 1 ngôi nhà tối đa là 15 cây và không được chọn cây quá lớn, không được chặt hạ bừa bãi… Mỗi khi chặt hạ 1 cây to thì phải trồng 1 cây non bên cạnh  cái cây vừa bật gốc. Nếu anh sử dụng sai mục đích thì sẽ bị cấm vĩnh viễn, bị tước luôn quyền khai thác rừng, không bao giờ được vào rừng lấy gỗ làm nhà nữa. 

Còn anh dấm dúi không xin phép, tự ý chặt cây rừng không có lý do chính đáng thì bị phạt nặng, theo TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, thì “có nơi, chỉ chặt 1 cây thôi, người ta bắt đền số tiền giá trị gấp 20 lần, thậm chí gấp 30 lần để phải sợ. Và phạt mang tính chất thiêng nữa. Ông phải chi phí cho lễ cúng rừng này, thế rồi ông phải nhận lỗi với thần rừng này và cái quan trọng là cả cái cộng đồng ấy nhìn cái người vi phạm ấy ghẻ lạnh. Thời xưa, bị cộng đồng ghẻ lạnh thì người ta cảm thấy cô độc  vô cùng”.

Thạc sĩ Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng di sản – Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, “có thôn phạt rất cao như 36 lít rượu, 36 cân thịt, 36 cân gạo cho tội vi phạm luật tục. Số đấy họ sẽ tập hợp lại, trong năm có bao nhiêu người bị phạt thì họ sẽ chọn cái ngày cuối cùng của năm hoặc là ngày đầu tiên của năm tổ chức phạt vạ, người vi phạm sẽ tạ lỗi với thần rừng, với dân làng. Sau đó, cả làng cùng chia sẻ. Cái người mà bị phạt ấy phải đứng ra trước dân bản hứa từ nay không dám làm như thế nữa. Kể cả những người ở nơi khác đến, chặt những khu rừng đấy, người ta bắt được người ta cũng phạt như thế”.

Ngay cả việc lấy củi khô để đun nấu, sưởi ấm cũng quy định rõ ràng trong luật tục. Có thôn quy định cụ thể được đi lấy củi vào 1 ngày nhất định, mỗi nhà được lấy bao nhiêu gùi. Anh Dương Tuấn Nghĩa cho biết: “Người Hà Nhì đặc biệt khác với các dân tộc khác. Các dân tộc khác thì  khi lên rừng chặt gỗ về làm củi thì người ta không quan trọng đó là có thể là cây khô hoặc cây tươi. Thế nhưng người Hà Nhì không bao giờ chặt cây tươi, lấy về làm củi không bao giờ được chặt cây tươi và mỗi một tuần người ta chỉ mở cửa rừng có 1 ngày ở khu rừng trồng, được phép khai thác.Tất cả các hộ gia đình đều được vào đấy lấy củi. Có những nơi quy định vào đấy anh chị được gùi 2 gùi củi về thôi và phải lấy củi khô, cây đã chết chứ không được chặt những cây tươi”.

Luật tục quy định rõ trong hương ước của thôn làng và được thực thi nghiêm khắc, không kiêng dè bất kỳ ai, dù anh là cán bộ mà vi phạm cũng cứ luật làng mà phạt. Anh là cán bộ, nhưng khi vi phạm anh bị phạt theo luật tục một cách bình đẳng, cho nên nó có tác dụng răn đe rất lớn.

Nếu trót chặt phá cây nào thì ngoài chuyện nộp phạt theo luật tục, anh ta còn buộc phải trồng lại đúng loại cây mà anh vừa đốn hạ. Kể cả khi được phép chặt cây làm nhà, cũng không được chặt cây vào mùa xuân khi cây đâm chồi, nảy lộc như lời TS Trần Hữu Sơn: “Từ cây vầu cho đến những cây gỗ khác, nếu được cho phép chặt làm nhà  thì cũng không chặt vào mùa nó sinh sản. Khi hạ 1 cây xuống thì người ta cũng ngắm nghía cẩn thận để không đè chết nhiều cây con”.

Tôi đặc biệt thích thú khi biết rằng, luật tục Hà Nhì còn có điều khoản này: Ai thấy rừng cháy mà thờ ơ, không dập lửa, hoặc không thông báo kịp thời cho dân làng biết để cứu rừng cũng sẽ bị phạt rất nặng. Phạt luôn cả cái sự thờ ơ, vô trách nhiệm với rừng! Với người Hà Nhì, thờ ơ, vô trách nhiệm gây hậu quả cũng là cấu thành “tội phạm”! 

Luật tục giữ rừng của người Hà Nhì  ảnh 2

Bàn thờ để làm lễ cúng rừng trong khu rừng thiêng. Ảnh: Dân trí

 

Kiểm lâm thôn – luân chuyển, thay nhau mà làm!

 

Cùng với hệ thống luật tục, mỗi thôn bản của người Hà Nhì có hẳn một bộ máy quản lý bảo vệ rừng do dân bầu, gọi là kiểm lâm thôn. Và mỗi thôn làng của người Hà Nhì có 2 kiểm lâm thôn do dân bầu ra. Và cứ mỗi năm lại thay bằng 2 người khác. Cứ thế, luân chuyển, hộ nào cũng phải tham gia công việc này. Thế nhưng, cũng phải “tuyển chọn” theo những tiêu chuẩn nhất định theo quy định đã được thống nhất trong cộng đồng. TS Sơn kể: “Ví dụ, nhà đó năm ấy không bị thiên tai gì, không có người chết, vợ chồng hòa thuận.. Chứ đến lượt ông đấy rồi mà vợ chồng đánh chửi nhau là không được. Thông thường người ta gọi là gia đình sạch. Sạch ở đây là gì? Quan niệm của người Hà Nhì thì là trong năm đó, gia đình không có ai chết. Nếu có người chết thì phải qua 3 năm và đã làm lễ thanh minh như mình gọi là cải tạo lại mộ thì lúc đấy mới là sạch. Hoặc là trong gia đình năm đó không có người mới sinh thì mới được coi là sạch. Nếu không sạch là không được tham gia vào các hoạt động chung của làng, đặc biệt là các buổi cúng tế”.

Kiểm lâm thôn có trách nhiệm quán xuyến mọi việc liên quan đến giữ rừng. Nếu được thông báo chỗ nào rừng bị xâm hại là phải nhanh chóng có mặt để giải quyết. Cử ra người lãnh nhận trách nhiệm như vậy, nhưng người Hà Nhì đồng thời quy định bảo vệ rừng, thực hiện nghiêm luật tục là việc của tất thảy mọi người trong làng, đều phải có trách nhiệm quan sát khi đi làm, vào rừng thấy ai vi phạm là phải báo cho kiểm lâm thôn đến bắt, phạt. 

Có tội thì phạt. Có công thì thưởng. Như thôn Lao Chải 2, xã Y Tý, Bát Xát, Lào Cai quy định, kẻ phá rừng phải nộp phạt 65 cân gạo. Người có công phát hiện ra chuyện phá rừng đó thì được hưởng ngay 65 cân  gạo đó. TS Trần Hữu Sơn đánh giá: “Mỗi làng có 2 người bảo vệ rừng thế nhưng khi nghiên cứu tất cả các rừng của người Hà Nhì đã được giao cho cộng đồng thì hai người đó quản lý tốt hơn rất nhiều. Kiểm lâm, nông trường viên  không bằng được 2 người đó vì người ta vừa tận tụy vừa có cái sự thiêng hóa, người ta vừa có cái tấm lòng đối với rừng”.

Giữ được rừng, cho nên bản làng Hà Nhì chưa bao giờ phải hứng chịu cơn cuồng nộ, giận dữ của thiên nhiên. Anh Nghĩa cung cấp thông tin: “Theo thống kê, trong 10 năm vừa qua ở Bát Xát xảy ra rất nhiều đợt lũ quét và chết rất nhiều người. Người Hà Nhì tôi thống kê lại mới chỉ chết 1 người, người này không phải chết ở đấy mà họ đi làm ở xã và bị lũ cuốn khi qua suối. Thôn bản người Hà Nhì rất ít khi xảy ra lũ. Vậy thì cái nguyên nhân từ đâu? Là do cái hệ thống bảo vệ rừng rất tốt”.

Có thể nói, luật tục, hương ước của người Hà Nhì về bảo vệ rừng từ quyền sở hữu đến chế tài xử phạt, cũng như họat động của đội ngũ kiểm lâm thôn nhằm quản lý bảo vệ rừng đều dựa theo quyền lợi của cộng đồng cho nên được cộng đồng tôn trọng, tuân theo.

Tôi đã hiểu vì sao ở cùng 1 địa bàn, trong khi làng của tộc người khác trơ trụi cây xanh thì bao quanh thôn làng của người Hà Nhì vẫn xanh ngắt những cánh rừng già với nhiều cây cổ thụ, yên ổn chở che cho những mái nhà trình tường neo bên sườn núi. 

Người Hà Nhì ở Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai hiện có hơn 8.000 ha rừng già với rất nhiều loài thực vật, động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam. Những khu rừng nguyên sinh còn ở lại với người Hà Nhì cũng bởi sự tôn trọng, yêu qúy rừng, ứng xử rất nhân văn với rừng.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm