“Lỗ hổng” sức khỏe sinh sản ở trẻ vị thành niên

“Lỗ hổng” sức khỏe sinh sản ở trẻ vị thành niên
Chuyện buồn từ đường dây tư vấn
Làm tư vấn viên cho Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ - Hạnh phúc, Trung ương Đoàn, hơn 15 năm nay, chị Nguyễn Thị Lê chia sẻ: “Nhiều cuộc gọi, nhiều cuộc gặp mặt với những câu chuyện thương tâm mang thai ngoài ý muốn của các cháu nhỏ khiến chúng tôi cảm thấy đau lòng và day dứt. Giá như các cháu nhận được sự sẻ chia từ cha mẹ, được trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản (SKSS) thì nhiều trẻ đã không phải chọn cách nạo phá thai khi tuổi còn quá nhỏ như vậy”.
“Lỗ hổng” sức khỏe sinh sản ở trẻ vị thành niên ảnh 1
Cán bộ Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ - Hạnh phúc tư vấn về sức khỏe sinh sản cho bạn trẻ tuổi vị thành niên. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Chị Lê kể, mới đây, chị và các đồng nghiệp của mình rất sửng sốt khi 4 cậu học sinh học lớp 7 đến để hỏi cách nạo phá thai cho một cô bạn gái đi cùng. Đau lòng hơn cả là 4 cậu học sinh này đều nhận là có quan hệ với cô bé nên không biết ai là “tác giả” của bào thai. Vậy nên, cả 4 chàng thấy đều lo lắng, thấy có “trách nhiệm” phải đưa “bạn gái” đi “giải quyết”.
Theo chị Lê, mặc dù internet phát triển, có rất nhiều trang mạng đăng tải thông tin về SKSS nhưng không phải bạn trẻ nào cũng tìm đến với những trang web chính thống. Việc tìm hiểu trên diễn dàn, học kinh nghiệm chủ yếu kiểu “rỉ tai” khiến nhiều teen có kiến thức rất ngây ngô về SKSS. Gọi đến đường dây tư vấn nhiều em vẫn hỏi: “Tại sao em quan hệ ở tư thế đứng hoặc tại sao sau khi “yêu”, em làm vệ sinh ngay… mà vẫn có thai”.
Theo BS Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng, nguyên nhân cũng do các bậc cha “đi chậm” hơn so với sự phát triển của con trẻ, trong khi độ tuổi, nhu cầu quan hệ tình dục ở trẻ vị thành niên ngày một sớm hơn thì các bậc cha mẹ vẫn giữ những quan niệm cũ, không chấp nhận sự thực trẻ có thể quan hệ tình dục khi mới tuổi teen. Bên cạnh đó, do bận rộn với công việc, nhiều cha mẹ cũng lơ chăm sóc hoặc chưa học cách tâm sự với con trẻ nên nhiều trường hợp bé gái có bầu 5 tháng, thậm chí gần đến ngày sinh, mà cha mẹ không biết.
“Một bạn gái sinh viên năm thứ nhất mang thai hơn 8 tháng còn đến Viện tôi để tư vấn nạo phá thai sao cho chi phí thấp nhất, em đó không có đủ số tiền lớn mà một cơ sở y tế tư nhân yêu cầu nếu muốn “giải quyết” cái thai quá to. Điều đáng nói là đến lúc này, ngoài anh trai thì cha mẹ cô bé đều không hay biết sự việc, con về, vào phòng riêng nằm thì cha mẹ nghĩ con mệt và tìm cách bồi bổ cho con”, BS Nguyễn Thu Giang cho biết.
Cần đổi mới chương trình giáo dục
Theo ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ vị thành niên mang thai ở nước ta những năm gần đây có xu hướng giảm nhưng vẫn tương đối cao. Cụ thể, con số này các năm 2010, 2014 và 2015 lần lượt là: 3,24%, 2,78% và 2,66%.
Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi vị thành niên cũng có xu hướng giảm tương tự: Năm 2010 cả nước có 9.100 ca phá thai là vị thành niên trong tổng số 470.000 ca phá thai. Năm 2015 con số này giảm còn trên 5.500 trường hợp.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, những con số nêu trên chưa phản ánh đầy đủ thực trạng làm mẹ trước khi trưởng thành ở trẻ vị thành niên Việt Nam. Bởi lẽ, đó chỉ là thống kê ở cơ sở y tế công, thiếu những số liệu có thể lớn hơn rất nhiều từ các cơ sở y tế tư nhân.
“Để bảo vệ trẻ em gái vượt qua được những khó khăn của tuổi vị thành niên, gia đình và xã hội cần phải vào cuộc để cung cấp cho các em các kỹ năng sống, nhất là các kiến thức về SKSS. Với riêng ngành Dân số, sẽ đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc SKSS, đáp ứng nhu cầu giáo dục, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân…”, ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế khẳng định.
Theo BS Nguyễn Thu Giang, việc giáo dục, cung cấp kiến thức SKSS phù hợp theo lứa tuổi học sinh cần được ngành giáo dục nghiên cứu thay đổi, triển khai sớm hơn ngay từ bậc tiểu học. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng cần học cách “lớn lên cùng con”, phải tìm hiểu để biết cách cung cấp và sẻ chia những kiến thức phù hợp theo lứa tuổi con trẻ. Nếu ngay từ nhỏ, trẻ không thường xuyên tâm sự với cha mẹ như những người bạn thì khi lớn lên các con sẽ khó lòng chia sẻ những chuyện thầm kín như yêu đương, quan hệ tình dục…

Có thể bạn quan tâm