Liên kết phát triển tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long

Liên kết phát triển tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long
Ký kết tầm nhìn chiến lược giữa các tỉnh tiểu vùng Duyên hải phía Đông. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
 Ký kết tầm nhìn chiến lược giữa các tỉnh tiểu vùng Duyên hải phía Đông.
Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, thông qua hội thảo, các tỉnh trong tiểu vùng sẽ thông tin rộng rãi đến nhà quản lý, chủ đầu tư, doanh nghiệp và người dân về hoạt động liên kết giữa 4 tỉnh, cùng lộ trình cụ thể quá trình liên kết. Qua đó, doanh nghiệp và người dân mỗi địa phương nhận thức đầy đủ và rõ nét vai trò, tầm quan trọng và nhu cầu tất yếu của hoạt động liên kết. Đặc biệt, tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao về tầm nhìn, mục tiêu và định hướng chiến lược thực hiện liên kết thành công giữa các tỉnh thời gian tới. Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Trung tâm Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn miền Nam cho rằng, các tỉnh tiểu vùng duyên hải phía Đông sẽ tập trung phát triển mặt hàng có lợi thế và tiềm năng như: trái cây, dừa, thủy sản. Đồng thời, tổ chức kết nối với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài vùng có nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu để tiến hành tổ chức liên kết. Trong khi đó, Chuyên gia nghiên cứu độc lập Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân bày tỏ, vấn đề liên kết giữa các vùng được nói nhiều nhưng sản phẩm liên kết, nội hàm liên kết giữa các tỉnh; trong đó, có vùng duyên hải phía Đông chưa được định hình cụ thể. Theo ký kết giữa các tỉnh, tầm nhìn chiến lược liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, với những hướng đi chiến lược cho các lĩnh vực của tiểu vùng được thể hiện ở hai khía cạnh về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Ra mắt ban điều hành tiểu vùng Duyên hải phía Đông. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu
Ra mắt ban điều hành tiểu vùng Duyên hải phía Đông. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu 
Cụ thể, các tỉnh trong tiểu vùng sẽ liên kết trên 8 lĩnh vực. Cụ thể là, liên kết phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực. Liên kết về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông thủy - bộ, logistic, thủy lợi. Liên kết về quy hoạch vùng sản xuất nhất là các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các địa phương. Liên kết về bảo vệ, quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên; trong đó, có tài nguyên cát, tài nguyên nước. Liên kết trong xúc tiến mời gọi hợp tác đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản; xúc tiến thương mại, du lịch. Liên kết xây dựng quy chế phối hợp trao đổi thông tin đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bền vững tiểu vùng. Liên kết để xây dựng các chương trình, dự án chung của Tiểu vùng liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ nguồn nước. Các tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030, tiểu vùng duyên hải phía Đông sẽ trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến. Thu nhập bình quân đầu người đạt ngang bằng trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống thấp hơn trung bình của cả nước. Sản xuất nông nghiệp theo định hướng các mô hình sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được nâng lên. Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ, phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn liền với hệ sinh thái sông nước và kinh tế biển. Các tỉnh gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường...
Đại biểu tham quan các sản phẩm đặc trưng của Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu
Đại biểu tham quan các sản phẩm đặc trưng của Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu 
Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tiểu vùng duyên hải phía Đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long  gồm 4 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh, nằm ở vùng Duyên hải cửa sông của hệ thống sông Cửu Long đổ ra biển Đông và là vùng có đặc trưng về sinh thái ven biển cửa sông. Tổng diện tích của Tiểu vùng khoảng 8.788,9 km2, chiếm 21,5% tổng diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại hội thảo, các tỉnh đã ra mắt Ban điều hành liên kết vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long,luân phiên từng địa phương sẽ đàm nhận vai trò Trưởng ban để điều hành hoạt động liên kết của tiểu vùng, đảm bảo sự liên tục, thông suốt, thống nhất và bền vững của quá trình hợp tác phát triển chung toàn vùng. Năm 2019, tỉnh Trà Vinh được giao vai trò Trưởng ban điều hành.
Công Trí

Có thể bạn quan tâm