Liên kết nuôi cá lồng bè trên biển theo hình thức sản xuất chuỗi

Liên kết nuôi cá lồng bè trên biển theo hình thức sản xuất chuỗi
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, quy hoạch nuôi cá lồng bè tại xã Hòn Nghệ theo chuỗi liên kết sản xuất, nhằm tạo sự phát triển ổn định, bền vững. Phát triển nuôi cá lồng bè trên biển sẽ theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, từng bước vươn ra khơi xa; sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu đạt 1.200 lồng bè nuôi, sản lượng 960 tấn cá; trong đó, có 50% số lồng bè nuôi cá thương phẩm được chứng nhận VietGap và vùng nuôi cá lồng bè xã đảo Hòn Nghệ được chứng nhận thương hiệu sản phẩm.
 
Kiên Giang phát triển nuôi cá lồng bè trên biển. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
 Kiên Giang phát triển nuôi cá lồng bè trên biển. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Để đạt được mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cùng với địa phương tổ chức sản xuất theo quy hoạch, hình thành vùng nuôi cá lồng bè tập trung. Đồng thời, tạo khoảng cách an toàn giữa các bè nuôi, vừa đảm bảo khả năng tự làm sạch môi trường tự nhiên của biển, không bị ô nhiễm, vừa dễ dàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng áp dụng công nghệ tiên tiến, chuyển giao các thành tựu khoa học vào sản xuất, chuyển dần sử dụng thức ăn cá tạp tự nhiên sang thức ăn công nghiệp trong quá trình nuôi cá. Đồng thời, xây dựng các mô hình nuôi cá thương phẩm ứng dụng công nghệ nuôi mới hiện đại, phù hợp điều kiện tự nhiên của vùng nuôi, nhằm tăng năng suất, sản lượng, giảm thiểu dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tỉnh Kiên Giang quy hoạch nuôi cá lồng bè trên biển khu vực quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Bà Lụa (Kiên Lương), quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên) và đảo Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Tỉnh Kiên Giang quy hoạch nuôi cá lồng bè trên biển khu vực quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Bà Lụa (Kiên Lương), quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên) và đảo Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Cùng với đó, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang thực hiện giao, cho thuê mặt nước biển đúng quy định cho các tổ chức, cá nhân để nuôi cá lồng bè; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá giống. Ngoài ra, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh, quy trình kỹ thuật, sử dụng thuốc, hóa chất trong nuôi cá lồng bè; tập huấn quy trình phòng trừ dịch bệnh, kiểm dịch cho các đối tượng nuôi cá lồng bè trên biển nhằm giảm thiểu rủi ro. Ngành thủy sản Kiên Giang cũng đầu tư thực hiện 3 đề tài khoa học trên vùng quy hoạch nuôi cá lồng bè xã đảo Hòn Nghệ. Cụ thể là ứng dụng kỹ thuật công nghệ nuôi mới vào nuôi cá lồng bè áp dụng VietGAP. Trong đó, tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cải tiến lồng bè nuôi, sản xuất giống chất lượng, sử dụng thức ăn viên công nghiệp, phòng trị bệnh và an toàn thực phẩm. Tiếp theo là ứng dụng chuỗi liên kết sản xuất giữa người nuôi cá, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp; xây dựng trạm quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vùng nuôi cá lồng bè trên biển.
Lê Huy Hải 

Có thể bạn quan tâm