Liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành logistics

Liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành logistics
Phát biểu tại lễ ký kết, Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá, dự án “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề” là mô hình giáo dục nghề nghiệp với sự hỗ trợ của doanh nghiệp Australia chia sẻ với Việt Nam. Qua đó, các giải pháp hiệu quả sẽ giúp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc thí điểm giáo dục nghề nghiệp với sự tham gia của doanh nghiệp trong ngành logistics sẽ là mô hình tốt để nhân rộng ra các ngành khác trong tương lai.
Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
 
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logictics Việt Nam (VLA), dự án “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề” có sự tham gia tích cực của nhiều đơn vị, trong đó VLA cam kết tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp hội viên của VLA với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành nghề logistics. Đồng thời, hình thành một cơ chế phối hợp để các bên cùng tham gia vào giáo dục nghề nghiệp hiệu quả và bền vững.
 
Logistics là mã ngành đào tạo mới, các cơ sở dạy nghề đã và đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển. Đặc biệt, chú trọng kết nối và phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay nhu cầu của doanh nghiệp mà không phải đào tạo lại.

Chính vì vậy, các đơn vị tham gia dự án “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề” sẽ thúc đẩy nhiều hoạt động gắn kết nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động, xây dựng cơ chế đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực logistics có tay nghề cao.
 
Về phía nhà trường, bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2 cho hay, nhiệm vụ của nhà trường là khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực của ngành logistics. Tiếp theo sau đó, các trường sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo gắn với trọng tâm thời lượng thực hành 70% ở doanh nghiệp để sinh viên ra trường không chỉ có kiến thức mà còn có kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn.
Đại diện các trường giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ngành logistics trong nước ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Đại diện các trường giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ngành logistics trong nước ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Hiện nay, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, trong đó có lĩnh vực vận tải và logistics là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển đất nước, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng giải pháp gắn kết với doanh nghiệp.

Song song đó, tăng cường hình thành cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với các hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
 
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục nghề nghiệp đến nay đạt được những kết quả cao, chất lượng đào tạo đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ người học có việc làm đúng ngành nghề đào tạo ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số nghề đạt trên 90%. Với 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1.035 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, hàng năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã cung cấp cho xã hội hàng triệu lao động có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp./.
  Thanh Vũ
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm