Làng nghề hương truyền thống Quán Giò tất bật vào Tết

Làng nghề hương truyền thống Quán Giò tất bật vào Tết
Làng nghề hương ở Thanh Hóa. Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn
Làng nghề hương ở Thanh Hóa. Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn

Con ngõ nhỏ mang tên Hàng Hương dẫn vào làng vốn đã chật hẹp nay càng trở nên chật chội khi người dân tận dụng để phơi những mẻ hương vàng ruộm mới được se. Màu vàng của bột hương, màu đỏ của chân hương đan xen nhau tạo nên bức tranh sinh động rực rỡ đủ sắc màu. Ít ai biết được nơi đây đang lưu giữ làng nghề làm hương truyền thống hàng trăm năm và được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Hương được làm ở đây không những đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh mà còn được các tỉnh ngoài ưa chuộng và tin dùng.

Để cho ra một mẻ hương đạt tiêu chuẩn, người làm hương Quán Giò phải chuẩn bị các loại nguyên liệu chính như tăm hương, nhựa hương và than phụ gia. Trước đây, hương liệu chính phải là rễ cây trầm, nhưng bây giờ, rễ trầm ngày càng khan hiếm nên người ta thường thay thế bằng rễ cây trám, cây bùi để tạo mùi hương thơm dịu nhẹ. Công đoạn khó và phức tạp nhất là khâu pha trộn bột mùi hương với một số hương liệu như bột hồi, quế, trầm.

Công việc này phải do người có tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm đảm nhiệm bởi nếu pha chế không cẩn thận hoặc không đúng liều lượng, hương sẽ không đạt mùi thơm chuẩn. Hiện tại, làng hương Quán Giò đang tập trung sản xuất, cung ứng ra thị trường 3 sản phẩm chính là hương bài, hương đen và hương đàn với trên dưới 10 loại với kích cỡ ngắn dài, to nhỏ, tùy theo nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Tùy theo từng loại hương sẽ có giá thành khác nhau, từ 20.000-30.000 đồng/bó 100 que hương đến 500.000 đồng/bó 100 que hương.

Là hộ kiên trì theo đuổi phương thức sản xuất thủ công truyền thống, gia đình bà Nguyễn Thị Hợi (60 tuổi), có hơn 40 năm kinh nghiệm là hương ở Quán Giò cho biết, "Vào dịp cuối năm lượng hàng bán ra nhiều gấp 5 đến 6 lần so với thời điểm thông thường trong năm, nên các hộ làm hương, hộ nào cũng đều ra sức làm ngày, làm đêm cho kịp đơn hàng.

Tháng giáp Tết, đặc biệt là từ rằm tháng Chạp trở đi, lượng hương bán ra nhiều hơn hẳn các tháng trong năm. Hiện nay, trên thị trường, nhiều người có xu hướng tìm mua những loại hương có đậu tàn đẹp, nhưng để làm hương khi cháy có đậu tàn đẹp (hay còn gọi là đậu lộc), không gãy thì người làm hương sẽ phải dùng đến các loại hóa chất độc hại, rất ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Không chạy theo xu thế, hương Quán Giò vẫn giữ nguyên phương pháp làm bằng các nguyên liệu truyền thống nên dù không đậu được tàn đẹp và dễ bị ẩm mốc nếu không bảo quản đúng cách, nhưng không vì thế mà khách hàng bớt ưa chuộng hương Quán Giò. Niềm tin của khách hàng đồng nghĩa với việc các hộ làm hương Quán Giò càng ý thức hơn trong việc giữ gìn thương hiệu truyền thống của mình."

Luôn tay xe từng que hương, chị Cao Thị Minh (ngõ Hàng Hương) không giấu nổi niềm vui, "từ khi được công nhận làng nghề, cũng như có tem nhãn cho sản phẩm hương Quán Giò, những người sản xuất như chúng tôi thấy rất tự hào bởi thương hiệu hương Quán Giò ngày càng được khách hàng biết đến nhiều hơn.

Hiện nay, hương của làng nghề sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở các huyện, thị trong tỉnh, mà còn được khách ngoại tỉnh ưa chuộng. Nhiều gia đình phải thuê thêm nhân công để kịp giao hàng cho khách, riêng gia đình tôi phải thuê thêm với mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng giáp Tết. Việc sản xuất hương ngày Tết tuy vất vả nhưng làm tới đâu tiêu thụ tới đó nên ai cũng phấn khởi. Riêng cơ sở sản xuất của gia đình tôi, vào dịp Tết Nguyên đán có thể cung ứng ra thị trường hàng triệu que hương."

Người dân Quán Giò sản xuất hương quanh năm, tuy nhiên, vào những tháng cuối năm việc làm hương trở nên tất bật, rộn ràng hơn bao giờ hết. Bởi vào dịp tết, nhu cầu sử dụng hương để thắp trên bàn thờ gia tiên dịp tết và lễ chùa đầu năm của nhân dân tăng cao. Trên con đường dẫn vào làng, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh lao động khẩn trương, hối hả, nhộn nhịp của những người làm nghề.

Người trộn bột, người xe hương, người phơi hương, ai ai cũng nỗ lực để để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón Tết. Hương Quán Giò có hai hình thức sản xuất là sản xuất thủ công, xe hương bằng tay và sản xuất bằng máy. Mỗi hình thức đều có ưu và nhược điểm khác nhau, phụ thuộc vào nhu cầu mà người sản xuất muốn hướng đến. Sản xuất thủ công, hương thơm lâu, mùi hương dịu nhẹ, thoang thoảng thanh mát, dễ chịu nhưng bề mặt hương không có độ mịn, nhẵn.

Trong khi đó, hương sản xuất theo hình thức bắn máy thì bắt buộc phải cho keo vào để tăng độ kết dính, vì vậy, sản phẩm có hình thức đẹp, bắt mắt, cho ra sản phẩm với năng suất cao hơn. Tuỳ vào nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, hương truyền thống hay hương sản xuất bằng máy ở Quán Giò đều có khách hàng riêng và chỗ đứng riêng vững chắc trong lòng khách hàng.

Bà Đỗ Thị Ly, Chủ tịch UBND phường Trường Thi (thành phố Thanh Hóa) chia sẻ, "Mới đây, để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, UBND phường Trường Thi đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu hương Quán Giò. Phường đã đấu mối với ngân hàng, hỗ trợ các hộ gia đình vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, đồng thời hướng dẫn làng nghề đăng ký, tiến hành các thủ tục xây dựng nhãn hiệu tập thể, trang bị biển hiệu, tem, nhãn cho các cơ sở sản xuất từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Bên cạnh đó, phường đã cho vẽ tranh trên hơn 1.000m tường của ngõ Hàng Hương, thể hiện các quy trình sản xuất hương truyền thống Quán Giò để giúp nhân dân và du khách hiểu những giá trị truyền thống của làng nghề."

Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang đến gần, cùng với nhiều làng nghề trong tỉnh, làng nghề truyền thống làm hương Quán Giò đang bước vào vụ sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn và phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương.
   Hoa Mai

Có thể bạn quan tâm