Lâm Đồng sẽ khai thác gần 750 ha rừng thông ba lá

Lâm Đồng sẽ khai thác gần 750 ha rừng thông ba lá
Ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, diện tích được cấp phép khai thác này là rừng trồng sản xuất, có độ tuổi từ 25 năm trở lên thuộc địa bàn các huyện Đơn Dương, Di Linh và Bảo Lâm. 

Năm đơn vị được cấp phép khai thác gồm: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Di Linh được cấp phép khai thác trên diện tích 338 ha. Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bảo Lâm được cấp phép khai thác trên diện tích trên 165ha. Công ty  TNHH MTV lâm nghiệp Đơn Dương  120ha. Công ty  TNHH MTV lâm nghiệp Tam Hiệp 94,9ha. Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bảo Thuận 28ha. Tổng diện tích cấp phép khai thác là 746,74 ha, khối lượng gỗ thu được 103.440 m3. Với đơn giá 1,6 triệu đồng/m3 thì lượng gỗ sau khai thác trị giá trên 165,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 53,375 tỷ đồng. 

Ngoài hiệu quả kinh tế, tỉnh Lâm Đồng đánh giá việc cho phép khai thác sẽ đạt hiệu quả xã hội là đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, tạo việc làm cho nhiều người lao động. Mặt khác, việc bố trí diện tích khai thác tại các khu vực có vị trí cách xa nhau, diện tích khai thác nhỏ hơn 50ha tại 1 tiểu khu, nên chỉ ảnh hưởng tới môi trường cục bộ chứ không ảnh hưởng toàn khu vực… 

Theo văn bản số 5353 ngày 16/8/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện kế hoạch. Cụ thể là, hàng năm, các công ty được cấp phép khai thác tới đâu phải trồng rừng ngay tới đó; diện tích khai thác sau ngày 30/6 của năm phải trồng ngay trong vụ trồng rừng năm liền kề và hoàn thành trước 30/8 của năm đó. Khối lượng gỗ khai thác được, các đơn vị chủ rừng tổ chức chế biến theo năng lực, đồng thời ưu tiên bán gỗ tròn cho các doanh nghiệp trong tỉnh đã đầu tư máy móc chế biến, tuyệt đối không bán và đưa gỗ tròn ra ngoài tỉnh. Toàn bộ diện tích sau khai thác trắng phải được quản lý và trồng thâm canh lại rừng với chủng loại, chất lượng giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao theo mục đích kinh doanh gỗ lớn, có hiệu quả kinh tế cao; không chuyển đổi sang trồng các loại cây khác hoặc chuyển đổi đất sang mục đích sử dụng khác… 

Tỉnh Lâm Đồng hiện có 532.634 ha rừng; trong đó, có 56.198 ha rừng sản xuất, với 4.451 ha rừng trồng từ 25 năm tuổi trở lên, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 53%. Việc cấp phép khai thác gần 750 ha rừng sản xuất trong giai đoạn 3 năm tới sẽ đem lại một số lợi ích cho địa phương. Tuy nhiên, dư luận cũng lo ngại sẽ xảy ra một số hệ luỵ như kế hoạch này liệu có bị lợi dụng để khai thác “nhầm” vào diện tích rừng tự nhiên với nhiều loại gỗ quý hiếm khác hoặc việc khai thác trắng diện tích rừng này sẽ được quản lý như thế nào trước tình trạng đã từng xảy ra những vụ việc đối tượng thuê người phá rừng để lấy đất sản xuất trên địa bàn một số địa phương của tỉnh...
Chu Quốc Hùng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm