Lâm Đồng: Sáng chế thành công máy rửa, phân loại cà chua

Lâm Đồng: Sáng chế thành công máy rửa, phân loại cà chua
Anh Nguyễn Hồng Chương bên chiếc máy rửa, phân loại, hong sấy khô và đánh bóng trái cà chua

Anh Nguyễn Hồng Chương bên chiếc máy rửa, phân loại, hong sấy khô
và đánh bóng trái cà chua

Đơn Dương là vùng chuyên canh cây cà chua lớn nhất cả nước với sản lượng mỗi năm lên tới hàng chục nghìn tấn. Nhiều năm qua, các chủ vựa thu mua cà chua tại địa phương mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để thuê một lượng lớn nhân công lao động ngồi rửa, phân loại rồi lau khô, đánh bóng cà chua trước khi xuất bán. Một lần, có chủ vựa thu mua cà chua lớn tại trung tâm xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương than vãn với anh Nguyễn Hồng Chương là không thuê được người rửa, phân loại cà chua để đóng thùng trước khi xuất đi tiêu thụ vì đã giáp Tết, khan hiếm lao động.
Nhà khoa học “chân đất” này lập tức về nhà bắt tay vào việc nghiên cứu, thiết kế ngay loại máy rửa, phân loại, hong khô nước và đánh bóng trên trái cà chua. Đối với anh Chương, sáng chế các loại máy nông nghiệp không còn gian nan như hồi đầu mới bắt tay vào “làm khoa học”. Chỉ trong vòng 3 tuần, anh Nguyễn Hồng Chương đã cho ra đời máy rửa, phân loại, hong sấy khô và đánh bóng trái cà chua trước khi đóng thùng xuất bán. 
Máy rửa, phân loại, hong khô nước và đánh bóng trên trái cà chua của anh Nguyễn Hồng Chương hoạt động mỗi ngày 8 tiếng đạt năng suất 20 tấn, bằng khoảng 20 người dùng phương pháp thủ công để làm việc. Anh Chương cho biết, có thể nâng công suất làm việc của loại máy này lên gấp đôi, hay nhiều hơn thế nữa tùy vào quy mô của mình mà chủ vựa cà chua đặt hàng anh Nguyễn Hồng Chương sản xuất. 
Máy rửa, phân loại, hong sấy khô nước và đánh bóng trên trái cà chua của anh Nguyễn Hồng Chương có hình chữ L, bao gồm các bộ phận cơ bản như thùng đựng cà chua thô. Từ đây, một bộ băng chuyền hoạt động tương tự như cầu thang máy, sẽ tự động lấy cà chua chuyển tới bộ phận sàng lọc các loại chất thải còn bám trên quả như rác, lá, cuống, cà chua hư hỏng, thối… tách bỏ những chất thải này ra khỏi quả. Cà chua tiếp tục được chuyển tới bộ phận đựng nước rửa. Cà chua khi đã được rửa sạch lại được các băng chuyền chuyển tới vùng sấy khô nước và đánh bóng cà chua sau đó đưa tới vùng phân chia thành các loại cà chua lớn nhỏ khác nhau. Khi đã hoàn tất các công đoạn trên, trái cà chua được đưa ra ngoài bằng các máng trượt, mỗi máng là một loại lớn nhỏ khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Hương, chủ một vựa cà chua đang sử dụng máy rửa, phân loại, sấy khô nước và đánh bóng trên trái cà chua cho biết, trước đây gia đình bà phải thuê trên 10 người để phân loại cà chua trước khi đóng thùng xuất bán, làm cả ngày nhưng vẫn chưa hết việc. “Nay với chiếc máy này, vẫn lượng cà chua đó chỉ làm có nửa buổi thôi, lại chỉ cần có 4 người ngồi ở phần máy đưa trái ra để đóng cho vào thùng. Không còn cảnh khổ cực, gọi điện khắp nơi tìm người làm và dùng sức lực như trước nữa!...” - bà Nguyễn Thị Hương vui mừng cho biết. 
Anh Nguyễn Hồng Chương cho biết, sau khi anh sáng chế thành công máy phân loại, rửa và hong sấy khô nước trên cà chua, rất nhiều chủ vựa nông sản trên địa bàn Đơn Dương, Đức Trọng và Đà Lạt tìm tới đặt hàng. Hiện anh Chương đã xuất bán hàng chục chiếc máy, đơn đặt hàng vẫn còn rất nhiều, máy làm ra không đủ bán. Máy rửa, phân loại, hong sấy khô nước và đánh bóng trên trái cà chua được anh Nguyễn Hồng Chương bán với giá 110 triệu đồng/máy, nếu máy không gồm bộ phận rửa là 85 triệu đồng.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm