Lai Châu xây dựng thương hiệu sản phẩm cây nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Lai Châu xây dựng thương hiệu sản phẩm cây nông nghiệp theo hướng hàng hóa
Các đại biểu biểu quyết về các dự thảo nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
 Các đại biểu biểu quyết về các dự thảo nghị quyết tại kỳ họp.
Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Theo đại biểu Vương Văn Thắng, hiện nay, Lai Châu phát triển nhiều loại cây như: cam, tam thất, đương quy, đào, lê, quế, chuối… Tuy nhiên, nhiều cây trồng chưa thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, chưa có tiêu chuẩn nhãn mác, chỉ dẫn xuất xứ sản phẩm; chưa được sản xuất theo quy trình VietGap… nên rất khó khăn cho đầu ra, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Các tỉnh lân cận đã làm tốt công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm và chỉ dẫn địa lý xuất xứ sản phẩm của cây trồng, đầu tư sản xuất đại trà để có sản lượng lớn cung cấp cho thị trường, hiệu quả kinh tế. Tỉnh Lai Châu hiện chỉ có sản phẩm như chè, gạo đã xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhiều sản phẩm khác của địa phương khó khăn đầu ra nên người nông dân làm ăn manh mún, không dám đầu tư mở rộng diện tích. Sản phẩm trồng ra không bán được, người dân sẽ không tham gia trồng, hoặc không mặn mà đầu tư nâng cao chất lượng và mở rộng diện tích theo chuỗi hàng hóa.

Đặc biệt, Lai Châu chưa liên kết được “4 nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân); đầu tư chưa nhiều cho xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn xuất xứ sản phẩm; nhà quản lý chưa vào cuộc quyết liệt, tiếp thị sản phẩm ra thị trường còn yếu…
 
Đồng chí Vương Văn Thắng, đại biểu đại diện cho thành phố Lai Châu phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
 Đồng chí Vương Văn Thắng, đại biểu đại diện cho thành phố Lai Châu phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu Vương Văn Thắng đề xuất, thời gian tới, Lai Châu cần chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa nương, ngô không hiệu quả sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao như: mắc ca, sơn tra, rau sạch, chè, quế, cây dược liệu… theo hướng mỗi xã, phường một sản phẩm. Hiện nay ở Lai Châu, 1 ha cây mắc ca cho thu hoạch trừ chi phí lãi được hơn 600 triệu đồng/năm. Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương  tích cực vào cuộc giúp nông dân đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý xuất xứ sản phẩm; hướng dẫn nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ; sản xuất theo chuỗi hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sản xuất đa dạng cây trồng theo hướng hàng hóa, nhưng phải bán được thì mới tăng thu nhập cho người dân và xóa đói giảm nghèo bền vững cho địa phương.

Đại biểu Lý Anh Hừ cho rằng, ngoài các cây trồng truyền thống như: Lúa, ngô, khoai, tính cả tự phát và cả hỗ trợ đầu tư, trên địa bàn tỉnh hiện nay có tới gần 20 loại cây trồng khác nhau như: Chè, quế, mắc ca, cao su, cỏ thơm, cỏ nhung và các loại cây dược liệu... Dù tỉnh Lai Châu đã có phân vùng kinh tế, nhưng quá trình thực hiện lại không tuân thủ theo vùng mà phát triển một cách tràn lan trên địa bàn tất cả các huyện. Theo đà phát triển này, nếu sau 5 - 7 năm, khi đánh giá lại hiệu quả mà thấy không phù hợp thì sẽ phải loại bỏ để thay thế bằng cây khác, như vậy sẽ gây lãng phí nguồn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, mất cơ hội về nhu cầu của thị trường.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang đầu tư trồng tràn lan các loại cây thì quỹ đất bị sử dụng lãng phí, khi các doanh nghiệp có nhu cầu vào đầu tư cần có quỹ đất lớn thì hầu như không còn đất để giao; không còn quỹ đất để phát triển các cây công nghiệp có giá trị như lát, dổi, tếch, xoan... trong khi nhu cầu về nguyên liệu từ gỗ trên thị trường vẫn cao, mà rừng phòng hộ, đặc dụng của tỉnh không được khai thác.

Đại biểu Lý Anh Hừ đề nghị HĐND và UBND tỉnh, trong thời gian tới cần rà soát, đánh giá lại tất các loại cây đã trồng trên địa bàn tỉnh để loại bỏ những loại không phù hợp, giá trị kinh tế không cao. Tỉnh không đủ khả năng thực hiện thì thuê các nhà khoa học chuyên ngành để đánh giá một cách đầy đủ điều kiện phát triển đối với từng loại cây trồng, từng vùng, trên cơ sở đó định hướng lại vùng trồng đúng hướng.

Đại biểu Khoàng Thị Thanh Nga nêu, năm 2019, HĐND tỉnh đã ban hành rất nhiều Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, để thực hiện đạt kết quả cao cần tập trung làm tốt công tác khảo sát, giao kế hoạch hàng năm sát với thực tiễn, xây dựng các mô hình thử nghiệm đảm bảo thành công mới đưa vào trồng đại trà. Các sở, ngành chuyên môn tập trung làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, đảm bảo cây trồng sinh trưởng phát triển tốt; hướng tới xây dựng các sản phẩm nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn VietGap. Các cấp chính quyền tập trung tuyên truyền, vận động người dân sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường và khách hàng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến nông sản, điều này gây khó khăn cho việc bán sản phẩm cây ăn quả vì phải phụ thuộc vào bên mua, quẩn quanh với bài toán “được mùa rớt giá”, người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Sáng 11/12, tại Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Lai Châu khóa XIV, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 - 2025. Hiện nay, tỉnh Lai Châu có 66 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có 23 xã biên giới. Mục đích của Đề án này nhằm phát sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới, nâng cao trình độ sản xuất của người dân và năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân; đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh.
Việt Hoàng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm