Lai Châu: Học sinh vượt suối dữ tới trường khai giảng

Lai Châu: Học sinh vượt suối dữ tới trường khai giảng
Các bậc phụ huynh liều mình đưa con qua suối kịp khai giảng năm học mới. Ảnh: baolaichau.vn
Các bậc phụ huynh liều mình đưa con qua suối kịp khai giảng năm học mới.
Ảnh: baolaichau.vn
       
Vượt gần 60 km từ thị trấn Tân Uyên, trên tuyến đường gập ghềnh đất đá do mưa lũ tàn phá, chúng tôi có mặt tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Nậm Sỏ. Các thầy cô giáo đang tất bật chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới vào ngày 5/9. Sau lời chào hỏi thân mật, cô Trần Thị Hồng Thoan - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Sỏ cho biết, 100% học sinh của trường đều là con em dân tộc thiểu số, nhiều bản cách xa trung tâm xã như Nà Ui phải vượt qua suối lớn mới đến được bản. Chiều thứ 6, sau khi học xong, học sinh ở bản Nà Ui trở về nhà và cuối tuần lại về trường để tiếp tục tuần học mới.
       
Bản Nà Ui có 74 học sinh, nhưng chỉ có 24 em lớp 1, lớp 2 được học tại điểm trường ở bản, còn lại 50 em từ lớp 3 đến lớp 5 phải về học tại điểm trường trung tâm. Do đang trong đỉnh điểm của mùa mưa lũ nên nước suối Pá Đành dâng cao, cuồn cuộn chảy xiết, việc đi lại của học sinh phải có sự giúp sức của phụ huynh và giáo viên. Để vượt dòng thác dữ về nhà cũng như đến trường, phụ huynh và giáo viên phải cho quần áo, sách vở vào túi ni lông buộc chặt. Sau đó, mỗi phụ huynh và giáo viên lần lượt cho từng em lên vai rồi liều mình bơi ra giữa dòng suối chảy xiết sang bờ bên kia. Mỗi lần chỉ 1 người đưa 1 em qua suối và phụ huynh phải chọn cách đi ngược lên phía thượng nguồn rồi thả mình lựa theo dòng suối bơi vào bờ. Nhiều phụ huynh, giáo viên kiệt sức do phải cõng học sinh và bị nước cuốn đi khá xa so với địa điểm an toàn.
       
Hai chị em Lò Thị Tiếng (lớp 5A1) và Lò Văn Khoa (lớp 4A3) ở bản Nà Ui, mỗi tuần đều phải cùng bố vượt suối để đến trường cũng như về nhà. Em Tiếng tâm sự: “Bản em ở cách trường học hơn 10 cây số và phải vượt qua suối lớn để đến trường. Mùa khô, em thường xuyên phải đi bộ đến trường và rất sợ mỗi khi ngồi trên bè để đi qua suối. Mùa mưa em và các bạn học sinh trong bản phải cùng bố, thầy giáo bơi qua suối, rất nguy hiểm. Nhiều lần em đã bị uống nước vì nước suối chảy xiết khó bơi vào bờ”.
       
Với anh Lù Văn Trò ở bản Nà Ui, mỗi khi mùa mưa đến là anh phải vất vả vừa bơi vừa cõng 4 đứa con đang học Tiểu học và Trung học cơ sở tại trung tâm xã, để vượt suối. Anh Trò cho biết, vào các ngày thứ Sáu, Chủ nhật anh lại đưa đón con về. Mỗi lần vượt suối rất nguy hiểm do nước dâng cao, lại chảy xiết, nhưng anh vẫn phải bơi và đưa từng đứa qua. Nhiều lúc nước to, nhớ con anh cũng đành chịu để con ở lại trường vì qua suối lúc đó rất nguy hiểm. Hiện nay, có doanh nghiệp hảo tâm đã đầu tư được 2 trụ cầu sắt để bắc cầu treo qua suối, nhưng vài tháng nay công trình không thi công nữa. Bà con dân bản mong các cấp, các ngành quan tâm, sớm đầu tư làm cầu để người dân đi lại thuận tiện, giúp các cháu đi tới trường an toàn.
       
Năm nay, Trường dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Sỏ đưa tiếp học sinh lớp 3 về trường trung tâm nên ngay từ đầu năm học, các giáo viên của nhà trường phải cõng bàn ghế qua suối, đảm bảo đủ cơ sở vật chất cho học sinh khi bước vào năm học mới. Anh Trần Văn Hạnh, giáo viên Trường dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Sỏ tâm sự: “Vì lòng yêu nghề và học sinh nên các thầy cô không ngại khó khăn vất vả cõng bàn ghế đảm bảo học sinh đủ chỗ ngồi. Mỗi khi học sinh về nhà hay đến trường, giáo viên lại phối hợp phụ huynh xem xét tình hình nước lũ rồi mới quyết định đưa các em qua. Tuy nhiên, khi vượt suối mùa lũ rất nguy hiểm nên chúng tôi phải tính toán, lựa chọn địa điểm an toàn nhất và cách thức để đưa học sinh, đảm bảo không có sơ suất nào xảy ra”.
       
Xã Nậm Sỏ là xã khó khăn có 22 bản, gồm đồng bào 5 dân tộc: Mông, Thái, Dao, Kinh, Khơ Mú sinh sống. Đời sống của người dân các dân tộc còn nhiều khó khăn thiếu thốn, đường giao thông bị sông suối chia cắt nên đi lại vất vả. Đặc biệt, tại bản Nà Ui nhiều năm nay, học sinh khi đến trường cũng như về nhà phải bơi qua suối cùng phụ huynh hoặc giáo viên, ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì, vận động học sinh đến lớp, đến trường. Năm học 2018 - 2019, khối Tiểu học có 74 học sinh thì chỉ có 24 em học tại điểm bản còn 50 em phải ra điểm trường chính. Như vậy, cứ cuối tuần khi các em về bản và đầu tuần đến trường, phụ huynh phải đi cùng và đằm mình cõng từng em qua suối, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
       
Cô giáo Trần Thị Hồng Thoan, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Sỏ cho biết: “Khó khăn của nhà trường hiện nay là việc các em ở bản Nà Ui phải đi qua suối để đến trường. Mặc dù các em được ở bán trú nhưng đến cuối tuần lại về với gia đình; giáo viên hỗ trợ cùng phụ huynh giúp học sinh qua suối an toàn. Chúng tôi quán triệt tới giáo viên và phụ huynh phải đảm bảo an toàn cho học sinh khi qua suối. Khi nước lũ lên quá cao, chảy xiết, giáo viên tuyệt đối không đưa học sinh về mà cho ở lại bán trú”.
       
Con đường tới trường học con chữ ở bản Nà Ui thật gian nan. Các em nhỏ nơi vùng khó khăn này mong sớm có cây cầu bắc qua suối Pá Đành để con đường học chữ đỡ phần vất vả.
Việt Hoàng
TTXVN

Có thể bạn quan tâm