Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:

Niềm hạnh phúc được "gieo con chữ" của thầy giáo Lê Hồng Tiến

Niềm hạnh phúc được "gieo con chữ" của thầy giáo Lê Hồng Tiến
Thầy Lê Hồng Tiến giảng dạy cho các em học sinh tại điểm trường làng Kom 1, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dư Toán-TTXVN
Thầy Lê Hồng Tiến giảng dạy cho các em học sinh tại điểm trường làng Kom 1, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dư Toán-TTXVN

Trong gần 20 năm làm nghề “gõ đầu trẻ” của mình, thầy Tiến đã công tác tại nhiều điểm trường làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc. Với thầy, được đến lớp, được gieo con chữ cho các em học sinh là một niềm hạnh phúc. “Tôi đã đến nhiều điểm trường làng, chứng kiến nhiều khó khăn, vất vả của người dân, họ không có điều kiện cho con đi học. Vì thế, tôi đã quyết tâm đến các điểm trường làng dạy học, mang con chữ đến cho các em”, thầy Tiến chia sẻ.

Nhà ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, mỗi ngày, từ sáng sớm, thầy phải vượt hơn 50 km từ nhà đến trường. Là vùng biên giới của huyện Ia Grai, năm học 2017 – 2018, làng Kom 1 có 25 em có độ tuổi từ 6 – 10 tuổi, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc không thể lập lớp riêng tại điểm trường theo độ tuổi, mà chia ra thành hai lớp (một lớp ghép và một lớp đơn), với 100% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy Tiến được phân công phụ trách lớp ghép với 10 học sinh lớp 3 và 6 học sinh lớp 2. Khi nhận dạy lớp ghép, thầy biết là sẽ gặp nhiều khó khăn, vì giáo viên sẽ phải hoạt động nhiều, dạy kiến thức riêng cho từng lớp dù ngồi chung một phòng học. Thứ hai là học sinh còn nhỏ, nhiều em chưa thạo tiếng phổ thông, ảnh hưởng nhiều đến việc giảng dạy của giáo viên. Vì vậy, thầy Tiến đã học thêm tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số để có thể truyền đạt kiến thức cho các em tốt hơn - thầy Tiến cho biết.

Dạy học ở vùng sâu, vùng xa đã khó, việc duy trì sĩ số học sinh tại các điểm trường làng lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng trong 7 năm dạy học tại điểm trường làng Kom 1, thầy Tiến luôn nỗ lực duy trì 100% sĩ số học sinh trong lớp. Để làm tốt công tác duy trì sĩ số, thầy Tiến luôn kết hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong làng như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và già làng, thôn trưởng; tìm hiểu phong tục tập quán, giao tiếp bằng ngôn ngữ địa phương để vận động phụ huynh cho trẻ đến trường. Khi trong lớp có học sinh vắng mặt, thầy sẽ đến tận nhà tìm hiểu lý do và vận động học sinh đến lớp. Thầy Tiến chia sẻ: Mỗi một buổi học, thầy luôn đến trước 15 phút, điểm danh và xem có học sinh nào vắng mặt hay không. Nếu có, thầy sẽ đến tận nhà, em nào ốm đau thầy sẽ thăm hỏi, động viên để sau khi khỏi bệnh em sẽ trở lại lớp. Nếu vì các lý do khác như bận việc gia đình, thầy sẽ giúp đỡ, hỗ trợ để các em được đến lớp.

Thầy Lê Hồng Tiến giảng dạy cho các em học sinh tại điểm trường làng Kom 1, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dư Toán-TTXVN
Thầy Lê Hồng Tiến giảng dạy cho các em học sinh tại điểm trường làng Kom 1, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dư Toán-TTXVN

Chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình dạy học của mình, thầy Tiến bùi ngùi: “Năm 2008, lúc ấy, tôi mới được phân công về dạy tại điểm trường làng Bi, sát Đồn Biên phòng Ia O. Năm ấy, bệnh sốt rét đang hoành hành, dạy được một nửa học kỳ, có một em học sinh bị bệnh nặng. Biết tin, cả lớp cùng đến thăm em, động viên, chia sẻ để giúp em vượt qua cơn bạo bệnh. Thế nhưng được 3 hôm, em ấy qua đời. Đi dạy ở các điểm trường làng, tôi luôn xem các em học sinh như con của mình. Khi có em học sinh bị bạo bệnh mà không thể vượt qua, tôi rất thương".

Chính vì những tình cảm mà thầy Tiến dành cho mình, các em tại điểm trường làng Kom 1 hiện nay luôn đi học đều đặn, đầy đủ. Em Puih Yết, học sinh lớp 2, điểm trường làng Kom 1 nói: “Chúng em đến trường được học bài, được thầy dạy cho biết đọc, biết viết. Em thấy rất vui”.

Làng Kom 1 giờ đây đã có em học lên đại học, dân làng cũng từng bước nâng cao trình độ dân trí. Chị Mang Thị Vượt (phụ huynh của em Mang Mạnh Cường, học sinh lớp 2, điểm trường làng Kom 1) cho biết: Thầy Tiến thường xuyên khuyên bảo con mình đến trường. Mình đã hiểu cho con đi học để không mù chữ, sau này biết phát triển kinh tế. Dân làng Kom 1 ai cũng yêu mến và cảm phục thầy.

Ông Phạm Văn Đại, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai cho biết, huyện Ia Grai có 13 xã, trong đó có hai xã biên giới là Ia O và Ia Chía đặc biệt khó khăn. Những năm qua, được phân công công tác tại nhiều điểm trường làng khó khăn ở vùng biên giới Ia O,  thầy Tiến luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt công việc được giao: "Với sự hướng dẫn của thầy Tiến, các em học sinh đã thực hiện tốt nội quy và duy trì sĩ số tốt. Thầy Lê Hồng Tiến là tấm gương về sự tận tụy, tâm huyết với các em học sinh. Làm công tác giáo dục đào tạo vùng khó là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng thầy đã hy sinh công việc gia đình và cống hiến cho ngành, là tấm gương để nhiều giáo viên khác noi theo”, ông Phạm Văn Đại nhấn mạnh.

Với những nỗ lực trong công tác, thầy Lê Hồng Tiến đã được Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai khen thưởng là Chiến sỹ Thi đua cấp cơ sở 2 năm liền.
Dư Toán

Có thể bạn quan tâm