Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:

Hiệu quả mô hình trường học bán trú Sín Chéng ở vùng cao Si Ma Cai

Hiệu quả mô hình trường học bán trú Sín Chéng ở vùng cao Si Ma Cai
 Nhiều cách làm sáng tạo

Chúng tôi đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sín Chéng, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai -  một điểm trường nằm chênh vênh trên sườn dốc quanh co, cách trung tâm huyện hơn 5 km khi các em học sinh đang chăm sóc vườn dược liệu quý đương quy có diện tích rộng 700m2. Em Giàng Thị Chơ, học lớp 6 giới thiệu: “Đây là vườn thuốc do chúng em tự trồng sau giờ học. Mùa nào cây nấy, em và các bạn rất thích tham gia hoạt động này”. Trồng và chăm sóc vườn rau, dược liệu là một trong số những hoạt động của mô hình trường học bán trú được triển khai, thu hút được đông đảo học sinh tham gia.

Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sín Chéng (Si Ma Cai) chăm sóc vườn thuốc nam. Ảnh: Hương Thu – TTXVN
Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sín Chéng (Si Ma Cai) chăm sóc vườn thuốc nam. Ảnh: Hương Thu – TTXVN

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sín Chéng hiện có 273 học sinh, trong đó 97% học sinh là người dân tộc Mông. Trước đây, nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa quan tâm đến việc học của con em mình, thêm vào đó, giao thông đi lại khó khăn khiến tỷ lệ chuyên cần của trường đạt thấp. Mô hình trường học bán trú được triển khai những năm gần đây đã góp phần thu hút các em học sinh đến trường, nâng cao tỷ lệ chuyên cần và chất lượng học tập.

Dẫn chúng tôi tham quan khu ở bán trú, thầy giáo Lê Đức Hà - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Từ khi áp dụng mô hình bán trú, số học sinh ra lớp ngày càng đông. Trường có 113/273 em đăng ký ở bán trú với khu ở 10 phòng, cùng bếp ăn, công trình vệ sinh, khu vui chơi, thể thao, vườn trồng rau, khu chăn nuôi… Ngoài giờ học, học sinh tham gia xây dựng các mô hình sản xuất như trồng cây dược liệu đương quy, tam thất... Với 4.000 gốc đương quy, mỗi năm cây trồng này mang lại nguồn thu hơn 240 triệu đồng, giúp nhà trường tạo nguồn thu hỗ trợ học sinh. Không những trồng các loại rau cung cấp thực phẩm, cải thiện bữa ăn hằng ngày, các em còn được giáo dục và cùng nhau chăm sóc bảo tồn nguồn gen giống đào quý Si Ma Cai  vớimô hình trên 100 gốc đào được ươm trồng quanh trường.

Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sín Chéng (Si Ma Cai) chăm sóc 4.000 gốc dược liệu đương quy cho thu nhập 240 triệu đồng/năm. Ảnh: Hương Thu - TTXVN
Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sín Chéng (Si Ma Cai) chăm sóc 4.000 gốc dược liệu đương quy cho thu nhập 240 triệu đồng/năm. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Chứng kiến bữa ăn trưa của học sinh Trường Tiểu học bán trú Mản Thẩn, chúng tôi càng hiểu về những nỗ lực của giáo viên và học sinh vùng cao Si Ma Cai. Thực đơn bữa ăn gồm rau, thịt, trứng... là những sản phẩm từ lao động của cô và trò ngoài giờ lên lớp. Trường còn có khu chăn nuôi lợn, gà, vịt ngan và vườn rau riêng biệt sau trường học do quỹ đất dư thừa.

Ông Nhâm Tiến Đức - Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai cho biết: Nếu như ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai, mô hình trường học bán trú vẫn còn những khó khăn trong công tác quản lý hay đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh, thì ở Si Ma Cai hoàn toàn khác. Mỗi học sinh ở Si Ma Cai bán trú được hỗ trợ hàng tháng bằng 40% mức lương cơ bản và 15 kg gạo được hưởng không quá 9 tháng/năm/học sinh. Ngoài ra, học sinh ở hầu hết trường học trên địa bàn huyện đều được tham gia các mô hình sản xuất tự túc lương thực, đảm bảo ngon, sạch, vừa tăng nguồn thu cho cơ sở. Có nhiều trường thuê hẳn quả đồi hoang của dân với giá 3 triệu/năm để trồng rau. Sau khi cung cấp đủ cho giáo viên và học sinh quanh năm, có trường còn  mang rau ra bán và thu về hàng chục triệu đồng/vụ. Hầu hết học sinh ở đây đều vừa học vừa làm, các em biết yêu quý, trân trọng thành quả lao động, đồng thời có thêm nhiều kỹ năng sản xuất kinh tế áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại gia đình. Đó chính là điều ngành giáo dục huyện thực sự quan tâm.

Học sinh Trường Tiểu học bán trú Mản Thẩn (Si Ma Ca) tham gia mô hình chăn nuôi tăng gia sản xuất sau giờ học. Ảnh: Hương Thu – TTXVN
Học sinh Trường Tiểu học bán trú Mản Thẩn (Si Ma Ca) tham gia mô hình chăn nuôi tăng gia sản xuất sau giờ học. Ảnh: Hương Thu – TTXVN

Hiệu quả tích cực

Vào tham quan phòng ăn của các em sau giờ trưa, chúng tôi thấy một số học sinh đang đọc báo, một số em xem ti vi. Em Thào Vành, học lớp 6 trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sín Chéng tâm sự: "Nhà em ở thôn Mào Sao Chải, cách trường rất xa, đi lại khó khăn. Ở bán trú em không lo đi học muộn mà còn được xem ti vi, tham gia các hoạt động bổ ích sau giờ học. Em coi đây chính là ngôi nhà thứ hai của mình".

Tính đến tháng 4 năm 2017, huyện Si Ma Cai có 480 phòng học kiên cố, 275 nhà ở công vụ, đáp ứng hầu hết nhu cầu học tập và đời sống của giáo viên, học sinh trên địa bàn. Trường học khang trang kiên cố, nhà công vụ đủ tiêu chuẩn đã giúp học sinh và giáo viên vùng cao gắn bó như một gia đình sau mỗi giờ lên lớp căng thẳng. Mô hình này cũng giúp các thầy, cô giáo thuận lợi hơn trong việc kiểm tra bài, đôn đốc các em học tập.

Đối với học sinh ở bán trú, ngoài đảm bảo chế độ ăn ở, sinh hoạt, thì việc đảm bảo an toàn cho các em cũng được nhà trường đặt lên hàng đầu. Nhà trường phân công các thầy, cô giáo trực bán trú 24/24 giờ. Cuối tuần, phần lớn học sinh được phụ huynh đón về, một số em được thầy, cô giáo đưa về hoặc tự đi về, nhưng vẫn có sự liên lạc chặt chẽ giữa gia đình và thầy, cô giáo phụ trách.

Bà Nguyễn Kim Ngân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai cho biết: "Thành quả của giáo dục vùng cao Si Ma Cai hôm nay có được ngoài sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, còn là sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh và nhà hảo tâm. Nhiều hộ đã hiến đất làm trường bán trú, nhiều cá nhân, tổ chức tài trợ, ủng hộ, hỗ trợ các em, cùng kinh phí giúp nhà trường xây dựng cơ sở vật chất, cải thiện bữa ăn cho học sinh. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em huy động ra lớp đạt 98% trở lên, giảm hẳn tỷ lệ học sinh bỏ học vì nhà xa hay không có chỗ ở”.

Hương Thu

Có thể bạn quan tâm