Kiên Giang tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Kiên Giang tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Kiên Giang tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ảnh 1Thu hoạch lúa bằng phương tiện hiện đại ở xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triền nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang sẽ tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức sản xuất theo hướng phù hợp mà trọng tâm là doanh nghiệp, nông nghiệp, hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị kết nối với hệ thống toàn cầu; đổi mới hợp tác xã nông nghiệp theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đảm bảo gắn với chế biến tiêu thụ. Thống kê cho thấy, tốc độ tăng theo giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Kiên Giang giai đoạn năm 2015 - 2017 bình quân đạt 2,73%; trong đó năm 2015 tăng 4,17%, năm 2016 giảm 1,46% do hạn hán xâm nhập mặn và dịch bệnh, năm 2017 tăng 3,21%. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 ngành nông nghiệp đã phục hồi trở lại. Tổng sản phẩm  nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 10,79% so với cùng kỳ năm 2017; tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của ngành nông nghiệp chiếm 35,75% toàn tỉnh. Đáng lưu ý, diện tích trồng lúa đã chuyển đổi cơ cấu từ hai vụ Đông Xuân và Hè Thu sang ba vụ Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông ở những diện tích có đê bao kiểm soát lũ đảm bảo ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp và Hòn Đất; chú trọng phát triển lúa có chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Văn Tâm, từ năm 2014 trở về trước, đa số là lúa chất lượng thấp, nhất là giống lúa IR 5004, giống lúa Hầm Trâu chiếm từ 30-40%. Nhưng từ năm 2015 đến nay, đã có trên 80% lúa chất lượng cao. Khu vực ven biển, vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên đã chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa cho hiệu quả kinh tế cao; chuyển đổi mô hình lúa - màu ở huyện Giang Thành, Hòn Đất, Vĩnh Thuận, Giồng Riềng. Cùng đó, lĩnh vực chăn nuôi đã chuyển sang chăn nuôi hàng hóa trang trại. Toàn tỉnh hiện có 87 trang trại, còn lại chăn nuôi theo hộ gia đình. Đặc biệt, thời gian qua tỉnh Kiên Giang tập trung khai thác hải sản theo hướng giảm dần tàu thuyền công suất nhỏ khai thác ven bờ, phát triển đội tàu công suất lớn xa bờ góp phần bảo vệ an ninh vùng biển quốc gia. Tỉnh phát triển nhanh hình thức nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp; nuôi cá lồng bè trên biển. Tuy nhiên, Kiên Giang vẫn tồn tại một số hạn chế như tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu theo chiều rộng. Tăng diện tích, tăng vụ sản xuất nhưng chưa gắn liền với các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm mà chủ yếu là bán thô chưa qua chế biến nên đem lại giá trị thấp. Các hình thức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu theo sản xuất hàng hóa và thiếu tính bền vững. Huy động các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư lĩnh vực nông - lâm nghiệp chưa nhiều; nguồn lực đầu tư và triển khai đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất... Mục tiêu của Kiên Giang trong thời gian tới là tiếp tục chuyển mạnh cây con và nông sản chủ lực theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Cùng đó, đẩy mạnh xã hội hóa nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, chuyển giao khoa học công nghệ; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vào hoạt động khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng hoạt động của khuyến nông. Tỉnh còn đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất vào nông nghiệp; xây dựng nhiều mô hình và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ mới có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng, nhất là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau quả, chăn nuôi theo hướng an toàn.
Lê Sen

Có thể bạn quan tâm