Kiên Giang đối phó với mưa bão và nước lên ở đầu nguồn sông Cửu Long

Kiên Giang đối phó với mưa bão và nước lên ở đầu nguồn sông Cửu Long
Lũ lụt gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ảnh: Quốc Dũng-TTXVN
  Lũ lụt gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ảnh: Quốc Dũng-TTXVN
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang dự báo, do ảnh hưởng của dòng chảy thượng nguồn, ảnh hưởng bão số 3 mưa lớn trên diện rộng nên mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh. Theo đó, vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc Kiên Giang nước cũng lên nhanh, có nguy cơ xảy ra ngập úng ở những vùng trũng thấp, vùng ven sông, kênh ngoài đê bao ở các huyện Giang Thành, Kiên Lương và Hòn Đất. Để đối phó với tình hình này, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng, địa phương phối hợp với cơ quan khí tượng thủy văn theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, mực nước đầu nguồn, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động ứng phó trong sản xuất; Tập trung rà soát, sửa chữa các công trình cống thủy lợi hư hỏng trong vùng Tứ giác Long Xuyên, đảm bảo vận hành hệ thống thoát lũ ra biển Tây; Theo dõi chặt chẽ tình hình mực nước trên đồng, chủ động mở tất cả các cống trên địa bàn huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất và thành phố Rạch Giá để thoát lũ, chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất. Tỉnh cũng khuyến cáo, hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm lịch thời vụ Hè Thu và sản xuất vụ Thu Đông để đảm bảo thu hoạch an toàn, tránh bị thiệt hại khi có lũ xảy ra. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai phương án phòng, chống lũ cho sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông, hoa màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, chủ động ứng phó, bảo vệ sản xuất cây trồng, vật nuôi; Kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình bờ bao, cống điều tiết nước để đưa vào vận hành, đối phó với lũ; Tập trung rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao vùng có nguy cơ ngập lũ, triển khai gia cố, bồi trúc những bờ bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra nước tràn, vỡ đê, sạt lở trong mùa mưa lũ; Vận động, hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, kê kích vật tư, hàng hóa nhằm hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra Các huyện, thị xã, thành phố khuyến cáo nông dân không xuống giống vụ lúa Thu Đông ngoài vùng bờ bao ngăn lũ để tránh thiệt hại,… Theo ông Đỗ Minh Nhựt, từ ngày 7 - 19/7/2018 do mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm đổ sập 56 căn nhà và tốc mái 130 căn nhà của dân ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Kiên Hải. Nhiều trà lúa Hè Thu ở huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Hòn Đất, An Biên,… bị đổ ngã, ngập úng làm giảm năng suất, chất lượng, thu hoạch gặp khó khăn, giá cả giảm thấp, thất thoát lớn. Nhiều diện tích lúa Thu Đông vừa xuống giống bị thiệt hại, nông dân phải làm đất gieo sạ lại.
Lê Huy Hải

Có thể bạn quan tâm