Kiên Giang chủ động ngăn mặn ứng phó với khô hạn

Kiên Giang chủ động ngăn mặn ứng phó với khô hạn
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết, sau khi hoàn thành đắp đập kênh Rạch Giá - Hà Tiên và vận hành mở các cống để xả mặn, độ mặn trên các tuyến kênh vùng Tứ giác Long Xuyên hầu hết đã xuống thấp, xâm nhập mặn ở địa bàn 2 huyện Kiên Lương và Giang Thành được kiểm soát đáp ứng nhu cầu nước tưới cho sản xuất vụ Đông Xuân.
Cống ngăn mặn trên địa bàn ven đê biển huyện Hòn Đất đã được đóng để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất. Ảnh: Lê Sen - TTXVN
Cống ngăn mặn trên địa bàn ven đê biển huyện Hòn Đất đã được đóng để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất. Ảnh: Lê Sen - TTXVN
Các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh, U Minh Thượng… đã đắp gần 50 bờ đập thời vụ trên những tuyến kênh mương trọng yếu ngăn mặn xâm nhập, giữ ngọt phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân, xuống giống vụ lúa Hè Thu và nước sinh hoạt cho nhân dân, ứng phó với khô hạn. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang ở xu thế xuống thấp, lượng nước đổ về các kênh nội đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giảm. Hiện nay, xâm nhập mặn chủ yếu qua sông Cái Lớn, Cái Bé và Vàm Bà Lịch, kênh Nhánh với nồng độ cao khi triều cường dâng và giảm khi triều thấp. Độ mặn 4,0g/l xâm nhập vào các sông, kênh chưa có công trình ngăn mặn. Khu vực bị ảnh hưởng là ven sông Cái Lớn từ biển trở vào đến các xã Thủy Liễu, Thới Quản, Vĩnh Phước A, Vĩnh Phước B và thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao; các xã Thành Yên, Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng. Độ mặn từ sông Cái Bé qua Vàm Bà Lịch ảnh hưởng đến các xã Mong Thọ B, Giục Tượng, Thạnh Lộc, huyện Châu Thành. Độ mặn qua kênh Nhánh vào kênh Rạch Giá - Long Xuyên ảnh hưởng đến khu vực phường Vĩnh Thông và xã Phi Thông, thành phố Rạch Giá. Để ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng, giữ ngọt phục vụ sản xuất lúa Đông Xuân đang giai đoạn giữa và cuối vụ thu hoạch, xuống giống vụ Hè Thu, nước tưới cho vườn cây ăn quả, sản xuất hoa màu và sinh hoạt của nhân dân, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang tiếp tục cập nhật, thường xuyên theo dõi và thông báo tình hình mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, diễn biến xâm nhập mặn trên địa bàn, nhất là những khu vực có nguy cơ cao để các địa phương, nhân dân chủ động trong sản xuất. Chi cục cũng phối hợp với các địa phương khảo sát, rà soát lại những cửa sông chưa có công trình ngăn mặn, có khả năng xâm mặn trong thời gian tới tiếp tục đắp đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô hạn./.
  Lê Huy Hải
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm