Không khí khai giảng năm học 2017-2018: Gọn nhẹ, trang nghiêm

Không khí khai giảng năm học 2017-2018: Gọn nhẹ, trang nghiêm
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều trao phần thưởng cho học sinh đạt thành tích cao tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 tại lễ khai giảng năm học mới 2017-2018. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều trao phần thưởng cho học sinh đạt thành tích cao tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 tại lễ khai giảng năm học mới 2017-2018. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Hà Nội

Hòa trong không khí tưng bừng đón năm học mới 2017 - 2018 của học sinh cả nước, từ sáng sớm 5/9, hơn 1,8 triệu học sinh trên địa bàn Hà Nội đã có mặt tại các điểm trường để dự Lễ khai giảng năm học mới. Đặc biệt tại lễ khai giảng năm nay, thầy và trò một số trường trên địa bàn Thủ đô được vinh dự đón các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội dự lễ khai giảng năm học mới.

Tại trường THCS Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), THCS xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội)... không khí khai giảng tại các trường cũng rộn ràng khá sớm. Ngay từ 7 h sáng, rất đông học sinh đã có mặt trong khuôn viên trường. Với quần áo đồng phục chỉnh tề, đeo khăn quàng đỏ các em hồ hởi bước vào từng hàng ghế ổn định chỗ ngồi để bắt đầu chương trình khai giảng năm học mới. 

Đúng 7h30, hơn 1.200 học sinh trường THCS Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã có mặt đông đủ trong khuôn viên trường với bao niềm vui háo hức đón chào một năm học mới. Trải qua 57 năm xây dựng và trưởng thành, trường THCS Phúc Diễn đã khẳng định được vị thế của mình trong sự nghiệp giáo dục của Bắc Từ Liêm nói chung và Thủ đô nói riêng. Hiệu trưởng trường THCS Phúc Diễn Bùi Anh Tuấn cho biết, để xây dựng môi trường học thân thiện, học sinh tích cực, mong muốn các thầy cô giáo luôn yêu nghề và thực sự trở thành tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, lối sống; là tấm gương về tinh thần tự học để trường THCS Phúc Diễn không chỉ là nơi truyền đạt tri thức mà còn là nơi sản sinh tri thức. 

Tại điểm trường THCS xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), với đặc thù tập trung nhiều các em học sinh có bố mẹ là công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, nên các em cũng theo bố mẹ đến trường từ rất sớm, để phụ huynh kịp giờ vào làm việc ở những nhà máy tại khu vực này. Buổi lễ khai giảng năm học mới cũng được bắt đầu vào lúc 7h30 với phần nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca. Sau đó, các em được nghe đọc thư của Chủ tịch nước gửi nhân ngày khai giảng. Hầu hết các em học sinh đều bày tỏ niềm vui và quyết tâm học tập thật tốt trong năm học mới theo lời thư của Chủ tịch nước đó là thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, sau này trở thành tài năng của đất nước, xây dựng Việt Nam ngày càng hùng cường như Bác Hồ mong muốn. 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lễ Khai giảng năm học mới tại tất cả các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đều chỉ kéo dài 1 giờ đồng hồ, từ 7h30 đến 8h30 trong không khí náo nức và ấm áp của cả thầy và trò. 

Thành phố Hồ Chí Minh 

Lễ khai giảng ở các trường, các bậc học diễn ra đồng loạt lúc 7 giờ 30 với phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, ngắn gọn với các nghi thức: chào cờ; hát Quốc ca; đọc thư của Chủ tịch nước; diễn văn khai giảng của hiệu trưởng, đánh trống khai trường và khen thưởng; Lồng ghép vào đó là lễ đón học sinh các lớp đầu cấp nhằm tạo không khí gần gũi, ấm cúng cho các em học sinh. Cùng với lễ khai giảng tại các trường phổ thông, các trường mầm non cũng đồng loại tổ chức ngày hội đón trẻ mầm non đến trường với nhiều hoạt động sinh động tạo ấn tượng tốt cho trẻ trong ngày đầu tiên đến trường. 

Với đặc thù của một đô thị lớn tập trung đông dân, lượng học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm luôn tăng cao. Đảm bảo mọi điều học học tập cho mọi học sinh trên địa bàn, ngành giáo dục thành phố tập trung triển khai nhiều giải pháp từ xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu. Đáp ứng chỗ học cho hơn 1,6 triệu học sinh trong năm học 2017-2018 (tăng gần 60.000 học sinh so với năm học trước), ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng gần 1.500 phòng học mới với điều kiện trang thiết bị dạy và học được đảm bảo. Thành phố cũng tuyển bổ sung 5.274 giáo viên, trong đó chú trọng đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, thực hiện tốt nhiệm vụ theo chủ trương đổi mới giáo dục. 

Trong năm học 2017 – 2018, ngành Giáo dục thành phố tập trung đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục và đào tạo, tiếp cận giáo dục tiên tiến khu vực và thế giới. Trong đó chú trọng phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu, học sinh được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến, hiện đại của thế giới. Cùng với đó, đổi mới căn bản và toàn diện về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy – học tập, phương pháp kiểm tra – đánh giá; coi trọng quản lý chất lượng giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục; tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật đến trường và hòa nhập vào cuộc sống… 

Hà Giang 

Trên 231.000 học sinh các dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang từ các thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới đã hân hoan đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2017-2018. Các đồng chí lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang đã về dự ngày hội khai trường ở các địa phương. 

Trên khắp các nẻo đường từ Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (huyện Đồng Văn) đến trung tâm của tỉnh là thành phố Hà Giang, hay ở các huyện vùng sâu, vùng xa nằm trên dãy núi Tây Côn Lĩnh như các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần… đâu đâu cũng tràn ngập cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ đỏ thắm tạo không khí vui tươi, tưng bừng đón ngày hội khai trường. 

Đúng 7 giờ, tiếng trống khai trường đã điểm khắp trên 640 trường từ bậc học mầm học, tiểu học, trung học cơ sở bán trú dân nuôi, trung học phổ thông và các trường phổ thông Dân tộc Nội trú trên địa bàn tỉnh Hà Giang được bắt đầu. Lễ khai giảng năm học mới này, 100% các trường ở Hà Giang đều diễn ra trong không khí trang nghiêm, ngắn gọn, đơn giản hơn so với những năm trước song vẫn giữ nghiêm được không khí trang trọng, tất cả các trường đều nêu cao quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới. 

Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tiếp tục đổi mới căn bản công tác giáo dục đào tạo, năm học mới 2017-2018, ngành Giáo dục Hà Giang phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng dạy, học ở địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc chỉ đạo, quản lý công tác duy trì sỹ số học sinh, chống bỏ học. Ngành không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt quy hoạch phát triển đội ngũ ngành giáo dục đảm bảo đúng vị trí việc làm và yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho học sinh, sinh viên và nhà giáo, đặc biệt là các nhà giáo công tác tại các địa bàn đặc biệt khó khăn. 

Đặc biệt, trong năm học mới này UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thành phố chuyển một phần học sinh ở các điểm trường về học tại các trường chính nhằm nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh công tác kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên. 
 
Hiệu trưởng trường THCS Trung Hòa, quận Cầu Giấy đánh trống khai giảng năm học mới 2017-2018. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN Học sinh Trường THCS Trung Hòa, quận Cầu Giấy trong lễ khai giảng năm học mới 2017-2018. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN
Hiệu trưởng trường THCS Trung Hòa, quận Cầu Giấy đánh trống khai giảng năm học mới 2017-2018. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN
 
Hiệu trưởng trường THCS Trung Hòa, quận Cầu Giấy đánh trống khai giảng năm học mới 2017-2018. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN Học sinh Trường THCS Trung Hòa, quận Cầu Giấy trong lễ khai giảng năm học mới 2017-2018. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN
Học sinh Trường THCS Trung Hòa, quận Cầu Giấy trong lễ khai giảng năm học mới 2017-2018. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Hà Tĩnh 

Sáng 5/9, hơn 300.000 học sinh và gần 27.000 giáo viên tại hơn 700 trường học của tỉnh Hà Tĩnh đã dự khai giảng năm học mới 2017 - 2018. 

Chương trình khai giảng được tổ chức với 2 phần: Phần lễ được diễn ra ngắn gọn, trang nghiêm với các nghi thức chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước; phần hội bao gồm các hoạt động văn nghệ, tạo không khí vui tươi, sôi nổi cho học sinh bước vào năm học mới. 

Hà Tĩnh là địa phương chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016. Sau hơn một năm, cùng với sự nỗ lực của lãnh đạo địa phương, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục, học sinh các xã vùng biển đã được đón ngày khai giảng với khí thế phấn khởi, tươi vui. Tại các huyện vùng biển như Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, học sinh ở cả ba cấp học đều đến dự lễ khai giảng đông đủ. 

Trường Tiểu học Thạch Bằng là nằm ở ven biển huyện Lộc Hà. Với tinh thần hiếu học và vượt lên cuộc sống khó khăn, trong ngày khai giảng, số lượng học sinh là con em ngư dân đã đến trường đầy đủ. Cô giáo Dương Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạch Bằng cho biết: Thạch Bằng là xã vùng biển chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường biển. Với sự nỗ lực của tập thể giáo viên nhà trường và sự tạo điều kiện của phụ huynh, năm học này các em học sinh trong độ tuổi đều được đến trường. 

Cách trường Tiểu học Thạch Bằng không xa, trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thạch Kim (huyện Lộc Hà) cũng tiến hành lễ khai giảng với sự tham gia của hàng nghìn học sinh và thầy cô. Để động viên con em mình, trong ngày đặc biệt này không ít phụ huynh là ngư dân đã tranh thủ đi biển về sớm để đưa con em mình đến trường. 
 
Quang cảnh lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Lê Lợi, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế). Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Quang cảnh lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Lê Lợi, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế). Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Bình Định

Cùng với học sinh cả nước, hơn 335 ngàn học sinh tỉnh Bình Định bước vào năm học 2017 - 2018.

Năm học 2017 - 2018, ngành giáo dục tỉnh Bình Định tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp đã đặt ra, tăng cường nề nếp kỷ cương, đạo đức lối sống, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm tới trang bị kỹ năng, nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh. 

Bà Lê Thị Điển, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định cho biết: Sở xác định, giáo dục mầm non tập trung triển khai chương trình giáo dục mầm non sau chỉnh sửa, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Đối với giáo dục tiểu học, ngành rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp đặc điểm tâm, sinh lý học sinh tiểu học; tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đối với giáo dục trung học tập trung đổi mới phương thức dạy học, sắp xếp lại nội dung dạy học để khắc phục những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành, chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng. Đối với giáo dục thường xuyên đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập. 

Ninh Bình

Ngày 5/9 tất cả các trường học tại tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới 2017 - 2018.

Bước vào năm học mới 2017 - 2018, hướng đến mục tiêu xây dựng 18 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% cán bộ, giáo viên đạt trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục triển khai “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiêp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; sẵn sàng chủ động đón nhận những đổi mới phương pháp giáo dục; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng học sinh giỏi và kết quả thi đại học, cao đẳng; chú trọng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, có kế hoạch linh hoạt về đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại và phát triển nguồn nhân lực, có chính sách tuyển dụng giáo viên các cấp. Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, đồng bộ hóa; tập trung chỉ đạo xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao và triển khai Đề án xây dựng trường trung học phổ thông chuyên của tỉnh. 

Nam Định

Hơn 400.000 học sinh tỉnh Nam Định tưng bừng dự lễ khai giảng và bước vào năm học 2017 - 2018. Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức lễ khai giảng trong một giờ, từ 7giờ đến 8 giờ. 

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định Cao Xuân Hùng cho biết, năm học 2017 - 2018, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm đổi mới từng bước và nâng cao chất lượng giáo dục. 

Nam Định ưu tiên giáo dục toàn diện, coi trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh; đồng thời đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, khuyến khích khả năng tự học và phát triển năng lực tư duy, sáng tạo của học sinh. Nam Định tập trung thực hiện đổi mới quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên và thực hiện đề án về tăng nguồn lực đầu tư, đổi mới quản lý tài chính giáo dục. Ngành Giáo dục tỉnh cũng chú trọng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, thực hiện tốt phân luồng sau trung học cơ sở và liên thông giữa các chương trình giáo dục. 

Cùng với đó, ngành Giáo dục tỉnh Nam Định tiếp tục thực hiện rà soát và quy hoạch, dành quỹ đất cho các trường thuộc cấp huyện, nỗ lực hoàn thành Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn 2030. Đặc biệt, Nam Định nghiên cứu, quy hoạch mạng lưới trường lớp tại các địa phương có khu công nghiệp nhằm đảm bảo nhu cầu học tập cho con em công nhân trên địa bàn. Nam Định đã hỗ trợ hơn 200 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới trường lớp đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh và và mua sắm trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

TTXVN
TTXVN

Có thể bạn quan tâm