Không bao che cho các hành vi sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực Thần Sa, Thái Nguyên

Không bao che cho các hành vi sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực Thần Sa, Thái Nguyên
Trước đó, sau khi có thông tin về việc xây dựng đường nông thôn mới, khai thác khoáng sản, xây dựng khu tâm linh liên quan đến diện tích rừng đặc dụng ở xã Thần Sa (huyện Võ Nhai), UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác gồm các sở, ban ngành, địa phương để kiểm tra xác minh làm rõ sự việc.

Khu văn phòng, đình, chùa được xây dựng trên 1,7ha đất rừng đặc dụng Thần Sa-Phượng Hoàng đang gây bức xúc dư luận. Nguồn ảnh: dantri.com.vn
Khu văn phòng, đình, chùa được xây dựng trên 1,7ha đất rừng đặc dụng Thần Sa-Phượng Hoàng đang gây bức xúc dư luận. Nguồn ảnh: dantri.com.vn

Liên quan đến công tác quản lý rừng, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, ông Dương Văn Tiến - Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Qua kiểm tra bước đầu cho thấy,  tuyến đường nông thôn mới từ ngã ba xóm Ngọc Sơn II đi Bản Ná xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai được UBND huyện Võ Nhai phê duyệt trong quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới xã Thần Sa tại Quyết định số 2807/QĐ-UBND ngày 30/11/2012. Ngày 10/7/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 1518/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên năm 2013 và đến năm 2020, trong đó trùm cả diện tích đất ở, đất sản xuất và một phần diện tích đất của tuyến đường từ ngã ba xóm Ngọc Sơn II đi Bản Ná xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai.

Năm 2015, UBND xã Thần Sa đã làm tuyến đường nông thôn mới từ ngã ba xóm Ngọc Sơn II đi Bản Ná xóm Xuyên Sơn dài 1.870,3 m, trong đó 1.112,9 m thuộc quy hoạch đất rừng đặc dụng; 306,1 m là đất sản xuất; 415,3 m là đất khác. Qua kiểm tra xác minh thực tế, tuyến đường được làm hoàn toàn trên nền đường cũ, đã có từ trước khi quy hoạch rừng đặc dụng, hai bên không có cây rừng mà chỉ là cây bụi, cỏ dại và cây gỗ keo do nhân dân tự trồng. Từ 2017, xã Thần Sa đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng và đơn vị đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn tất các thủ tục để chuyển đổi một phần đất của tuyến đường là đất rừng đặc dụng sang đất rừng sản xuất cho phù hợp…

Về hoạt động khai thác mỏ của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long tại xã Thần Sa, ông Dương Văn Tiến cũng khẳng định: Doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác mỏ tại Quyết định 3068/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 với diện tích 32,6ha và cho thuê đất 30,55 ha. Theo kết quả kiểm tra mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên thì công ty không khai thác ngoài phạm vi ranh giới được cấp phép và cho thuê đất.

Về khu vực đình, đền, chùa Bản Ná, xã Thần Sa, khu vực này có tổng diện tích khoảng 0,12 ha và đã có trước khi xác lập Khu bảo tồn, quy hoạch rừng đặc dụng, nhân dân vẫn đến sinh hoạt tín ngưỡng. Theo nguyện vọng của người dân xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa và người dân trong khu vực cũng như chính quyền địa phương đề xuất trùng tu, nâng cấp đình, đền, chùa Bản Ná trên nền đình, đền, chùa cũ đã có từ lâu đời. Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long đã đầu tư kinh phí trùng tu, sửa chữa, nâng cấp. Trước khi thực hiện việc trùng tu, nâng cấp, doanh nghiệp đã báo cáo Ban Tôn giáo, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên và đã được chấp thuận. Hiện nay, bà con nhân dân xóm Xuyên Sơn và khu vực lân cận vẫn thường xuyên đến lễ chùa, đình, đền tại khu vực trên…

Hiện tại, chính quyền địa phương đã tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng cũng như tài nguyên khoáng sản ở khu vực rừng Thần Sa, khi có kết quả kiểm tra cụ thể của các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật nếu phát hiện các hành vi sai phạm.
P.V

Có thể bạn quan tâm