Huyện Lâm Bình là điểm sáng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

Huyện Lâm Bình là điểm sáng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng
Lực lượng kiểm lâm Hạt kiểm lâm huyện Lâm Bình tuyên truyền về Luật bảo vệ rừng thông qua các buổi sinh hoạt động cộng đồng. Ảnh: Văn Tý - TTXVN
Lực lượng kiểm lâm Hạt kiểm lâm huyện Lâm Bình tuyên truyền về Luật bảo vệ rừng thông qua các buổi sinh hoạt động cộng đồng. Ảnh: Văn Tý - TTXVN

Lâm Bình là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức còn nhiều hạn chế, trong khi rừng ở gần khu dân cư, vì vậy trước đây việc xâm lấn đất rừng, phá rừng thường xuyên xảy ra. Để bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình đã bố trí các chốt bảo vệ rừng và kiểm lâm viên thường xuyên ứng trực. Song nếu chỉ có lực lượng kiểm lâm sẽ không thể làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng - ông Hoàng Văn Kiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình khẳng định.

Nhận thức được điều đó, Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình đã tích cực phối hợp với các lực lượng như: Công an, Ban Quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về Luật bảo vệ rừng được lực lượng kiểm lâm cùng chính quyền địa phương tích cực tổ chức thông qua các hoạt động cộng đồng. Năm 2018 đã có trên 3.200 hộ gia đình ở địa phương ký cam kết bảo vệ rừng...

Không dừng lại đó, Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình đã xây dựng phương án giao khoán rừng cho các hộ dân, các tập thể là các thôn quản lý và bảo vệ. Những hộ dân được nhận giao khoán quản lý bảo vệ khu rừng đều được lựa chọn kỹ. Bên cạnh nhận được số tiền chi trả  dịch vụ môi trường rừng, các hộ còn được tạo điều kiện phát triển kinh tế dưới tán rừng, qua đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, giúp người dân gắn bó với rừng hơn.

Nhận khoán hơn 87 ha rừng, gia đình chị Nông Thị Tươi, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình đều cử các thành viên trong gia đình thau phiên nhau đi tuần rừng, không để xảy ra tình trạng xâm hại rừng. Từ khi nhận khoán rừng, ngoài số tiền được chi trả dịch vụ môi trường rừng, gia đình chị Tươi còn kết hợp chăn nuôi bò, lợn, gà… ngay dưới tán rừng để phát triển kinh tế. Đến nay, thu nhập của gia đình chị đạt trung bình khoảng 16 triệu đồng/tháng. Chị Tươi cho biết: Trước đây, người dân do không có đất sản xuất nên hay đốt nương phá rừng làm rẫy. Từ khi có chính sách giao khoán rừng cho các hộ dân, không còn ai phá rừng, đốt nương làm rẫy nữa. Mọi người đều nhận thức được những lợi ích mà rừng mang lại nên ai cũng có ý thức bảo vệ rừng.

Ông Hỏa Văn La, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm cho biết, sau khi nhận khoán 400 ha rừng vào năm 2017, thôn đã tổ chức thành các đội, nhóm để tuần tra, bảo vệ rừng thường xuyên. Số tiền từ dịch vụ môi trường rừng hàng năm được thôn trả cho những người tham gia tuần tra bảo vệ rừng, số còn lại được đưa vào quỹ chung phục vụ các hoạt động của thôn. Thấy được lợi ích từ bảo vệ rừng, người dân rất nhiệt tình ủng hộ.

Lực lượng kiểm lâm Hạt kiểm lâm huyện Lâm Bình tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng. Ảnh: Văn Tý - TTXVN
Lực lượng kiểm lâm Hạt kiểm lâm huyện Lâm Bình tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng. Ảnh: Văn Tý - TTXVN

Ông Hoàng Văn Kiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình cho biết, ngoài việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền công tác bảo vệ rừng tới người dân, Hạt còn tham mưu cho UBND các xã thành lập mỗi xã một ban quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng; đồng thời tích cực vận động người dân phối hợp với ban quản lý rừng phòng hộ phát triển kinh tế dưới tán rừng để phát triển kinh tế tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo người dân.

Được biết, từ khi xây dựng phương án giao khoán rừng cho các hộ dân, đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình đã thực hiện giao khoán hơn 17.000 ha cho hơn 200 tổ chức, hộ gia đình chăm sóc và bảo vệ. Mô hình này không chỉ phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân mà còn mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Nguyễn Văn Tý

Có thể bạn quan tâm