Huyện Cai Lậy gắn kết vùng chuyên canh sầu riêng với tìm đầu ra cho nông sản

Huyện Cai Lậy gắn kết vùng chuyên canh sầu riêng với tìm đầu ra cho nông sản
Vườn sầu riêng ở huyện Cai Lậy. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Vườn sầu riêng ở huyện Cai Lậy. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Sầu riêng là cây trồng chủ lực của huyện Cai Lậy. Với năng suất bình quân 20 tấn/ha và giá bán có lúc đạt 80.000 – 90.000 đồng/kg, nông dân thu lãi ròng trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Nhờ phát huy tiềm năng và thế mạnh cây sầu riêng mà trong thời gian qua có nhiều nông dân đã dựng nên cơ nghiệp bền vững theo hướng “chung sống với lũ”.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Bí thư huyện ủy huyện Cai Lậy, địa phương đã mở rộng diện tích cây sầu riêng chuyên canh lên 8.875 ha, tăng hơn năm trước trên 1.500 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang, tập trung chủ yếu ở các xã phía nam tiếp giáp sông Tiền: Tam Bình, Long Tiên, Phú An, Hiệp Đức, Cẩm Sơn, Long Trung, xã cù lao Ngũ Hiệp… Địa phương cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng chỉ xuất xứ hàng hóa cho vùng chuyên canh sầu riêng dưới tên gọi “Sầu riêng Ngũ Hiệp”.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần phát huy tiềm năng và thế mạnh cây sầu riêng, Cai Lậy tập trung chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao trong quá trình thâm canh, xây dựng các hợp tác xã kiểu mới đủ mạnh nhằm tập hợp nông dân gắn với liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo đầu ra một cách ổn định, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

Cụ thể hóa chủ trương trên, đến nay, 80% diện tích vùng chuyên canh đều đã có mạng lưới đê bao ngăn lũ và triều cường, đảm bảo sản xuất, không để thiên tai gây hại. Bên cạnh đó, trên 90% diện tích đã được áp dụng kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ nhằm bán được giá, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, toàn huyện đã thành lập được 9 hợp tác xã nông nghiệp trên lĩnh vực cây ăn trái, có 85 ha sầu riêng đã được cấp chứng nhận VietGAP.

Nhằm bảo đảm hiệu quả bền vững theo hướng gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, nông dân an tâm đẩy mạng sản xuất, Cai Lậy đang phấn đấu đến năm 2020, mở rộng diện tích vùng chuyên canh sầu riêng lên 9.000 ha, sản lượng khoảng 180.000 tấn quả; trong đó, có 3.000 ha đạt chứng nhận VietGAP gắn với chuỗi giá trị, đồng thời mỗi xã vùng chuyên canh đều thành lập được tối thiểu 1 hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã mới.
Minh Trí

Có thể bạn quan tâm