Hội thảo về triển khai thực hiện Đề án 2214 trong năm 2017

Hội thảo về triển khai thực hiện Đề án 2214 trong năm 2017
Đồng chí Đinh Quế Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hoàng Tâm
Đồng chí Đinh Quế Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hoàng Tâm

Sau hơn 4 năm Ủy ban dân tộc thực hiện triển khai Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tôc thiểu số" theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 14/11/2013 (gọi tắt là Đề án 2214), bên cạnh những kết quả ban đầu đáng ghi nhận thì vẫn còn một số những hạn chế cần sớm được khắc phục và đẩy mạnh triển khai thực hiện.

Đề án 2214 xác định để tạo bước tiến mạnh mẽ trong sự phát triển về kinh tế xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi cần sự kết hợp giữa các nguồn lực ở trong nước với các nguồn lực của nước ngoài. Mục tiêu của đề án là thu hút tối đa các nguồn lực từ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tổ chức Phi Chính phủ (NGO) và trong cộng đồng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, trong đó tập trung: Phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí; đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo; đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; bảo tồn và phát triển văn hóa các tộc người. Chủ động đẩy mạnh hợp tác có hiệu quả với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, các cá nhân nước ngoài thông qua các Đại sứ quán cơ quan đại diện, hội nghị xúc tiến và các hoạt động đối ngoại khác. Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về hội nhập quốc tế và xây dựng, quản lý, sử dụng các nguồn vốn viện trợ nước ngoài cho cán bộ làm nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực hợp tác đầu tư trong hệ thống cơ quan liên quan công tác dân tộc.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Tâm
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Tâm

Hiện Việt Nam đã có những thành công rất lớn trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo nói chung của cả nước để gia nhập danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình của thế giới. Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số hiện tại vẫn là khu vực rất khó khăn  với tỷ lệ hộ nghèo lên đến trên 23%. Vì vậy, nhu cầu về nguồn lực hiện nay cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn còn rất cao. Trong khi đó, việc bố trí ngân sách, nguồn lực cho thực hiện chính sách dân tộc đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Hà Việt Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Ủy ban dân tộc) cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, đầu tư phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn ODA có xu thế giảm dần; nguồn lực cho chính sách giảm nghèo và phát triển ngày càng khó khăn; chi phí để giảm nghèo tăng lên, các địa phương thiếu nguồn lực, cơ chế triển khai và đặc biệt các đối tác phát triển cũng gặp khó khăn trong việc lồng ghép và chia sẻ thông tin… Ủy ban Dân tộc mong muốn tìm ra được một cơ chế đối tác  để chia sẻ thông tin và chính sách  ưu tiên của các bộ ngành, của các đối tác phát triển để kết hợp phối hợp triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng chí Hà Việt Quân, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (UBDT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Tâm
Đồng chí Hà Việt Quân, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (UBDT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Tâm

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng tham vấn nhiều kế hoạch và đưa ra những cơ chế hoạt động hiệu quả và phù hợp cho “Ban đối tác phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Đây dự kiến là cơ chế đối tác mở và động nhằm thúc đẩy các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ thông tin và kết nối hoạt động giữa ngành công tác dân tộc và các bộ, ngành, địa phương liên quan với các đối tác phát triển ở Việt Nam.    
 
Trong thời gian tới, Ủy ban dân tộc sẽ cố gắng kiến tạo những kế hoạch phối hợp hoạt động hiệu quả giữa các nguồn lực trong và ngoài nước hướng tới mục tiêu chung hỗ trợ giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội nhanh hơn, hiệu quả hơn trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
          Hoàng Tâm

Có thể bạn quan tâm