Học sinh bản Chùn gian nan vượt hang tối để đến trường

Học sinh bản Chùn gian nan vượt hang tối để đến trường
Đi bộ, dùng đèn pin để soi đường rồi vượt qua hang bản Thẳm tăm tối, đây là cách mà hàng ngày các học sinh ở bản Chùn phải thực hiện để có thể đến trường. Trong lòng hang rộng lớn, ánh đèn pin của các em chỉ còn là những vệt sáng nhỏ, le lói. Do đó, để đi xuyên qua lòng hang dài gần nửa ki-lô-mét, mỗi lần các em phải mất gần 5 phút đi bộ. Đó cũng là quãng thời gian đầy lo sợ với các em, nhất là các em còn nhỏ. Vào những lúc trời mưa, lòng hang bằng đất trở nên trơn trượt, khó đi hơn rất nhiều. Nhiều lần vì trượt ngã, các em phải nghỉ học. Không những thế, do đường đi lại khó khăn, các em trong bản đều phải sang xã khác để học. Em Quàng Văn Lả, học sinh Trường Tiểu học Tông Lạnh 1, huyện Thuận Châu cho biết, hàng ngày các em phải dậy từ lúc 5 giờ để kịp đến trường. Do hang tối, lúc qua hang phải có 4 - 5 bạn cùng đi mới dám qua. Đặc biệt, những hôm trời mưa, đường trơn, có bạn bị ngã nên phải nghỉ học.

Hang bản Thẳm có chiều dài gần nửa ki-lô-mét. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Hang bản Thẳm có chiều dài gần nửa ki-lô-mét. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Bản Chùn có vị trí nằm tách biệt phía sau một dãy núi đá vôi lớn. Con đường đi qua hang là đường chính để đi lại và hiện là con đường độc đạo để người dân có thể giao thương với bên ngoài bởi đây là con đường duy nhất có thể đi bằng xe máy.

Con đường từ bản Chùn đến trường học dài khoảng 5km, là đường đất và đầy ổ gà. Do đường đi lại khó khăn như vậy, đa phần học sinh ở bản Chùn đều đi bộ để đến trường. Đối với những em nhỏ hơn, hàng ngày phụ huynh phải đưa đi, đón về. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của các em là có một con đường thuận lợi để có thể đạp xe đến trường như bạn bè ở những nơi khác.

Con đường đến trường gập ghềnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập của các học sinh trong bản. Bà Trần Thị Hồng Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tông Lạnh 1, huyện Thuận Châu cho biết, vào những ngày khô các em đi học tuy thuận lợi hơn nhưng vẫn phải cha mẹ đưa đón. Những ngày mưa hầu như các em nghỉ học từ 1-2 ngày vì đường trơn trượt. Điều này, ảnh hưởng khá lớn, bởi vì các em nghỉ nhiều sẽ gián đoạn việc học. Vì thế, học sinh bản Chùn được chia ra đều các lớp để khi các em nghỉ học, thầy cô giáo còn kèm cặp kịp thời.

Con đường đến trường của các em học sinh bản Chùn. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Con đường đến trường của các em học sinh bản Chùn.
Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Bản Chùn là bản đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu. Hiện cả bản có 51 hộ, số hộ nghèo chiếm 22 hộ, còn hộ cận nghèo là 17 hộ.  Giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế của bà con. Trong quá trình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, do đường giao thông khó khăn, người dân ở đây thường xuyên bị thương lái ép giá, giá nông sản bán ra lúc nào cũng thấp hơn ở bên ngoài. Nếu bà con tự vận chuyển ra ngoài, việc đi lại cũng mất nhiều thời gian và tốn chi phí vận chuyển hơn. Anh Lường Văn Thương, Trưởng bản Chùn chia sẻ: Bà con chỉ đi được con đường này, muốn ra chợ hay đến các bản bên ngoài cũng chỉ có đi qua đây. Mùa khô còn đỡ, mùa mưa chuyển hàng hóa ra ngoài cũng rất khó nên kinh tế chậm phát triển so với bên ngoài.

Đây cũng là con đường chính để người dân bản Chùn giao lưu với bên ngoài. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Đây cũng là con đường chính để người dân bản Chùn giao lưu với bên ngoài. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Tại các cuộc họp của Ủy ban nhân dân xã hay tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm để có đường đi thuận lợi, giúp phát triển kinh tế hơn. Tuy nhiên, đến nay, con đường này vẫn chưa được triển khai do không đủ nguồn lực. Ông Lò Văn Đỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thôm Mòn (huyện Thuận Châu) cho biết, đường giao thông như vậy ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển kinh tế của bà con nơi đây. Xã đã bố trí kinh phí theo Chương trình 135 để hỗ trợ tu sửa, tuy nhiên để làm tổng thể rất khó nên sẽ triển khai thực hiện từng giai đoạn, để phù hợp với khả năng. Bản Chùn là bản đặc biệt khó khăn, vì vậy mong các cấp có thẩm quyền quan tâm, ưu tiên các nguồn vốn, cùng với sự đóng góp của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đem lại cuộc sống tốt hơn cho bà con ở khu vực này.
 
Hữu Quyết

Có thể bạn quan tâm