Hiệu quả ứng dụng phần mềm "Cảnh báo sớm điểm cháy rừng" ở Hà Giang

Hiệu quả ứng dụng phần mềm "Cảnh báo sớm điểm cháy rừng" ở Hà Giang
Cán bộ Phòng quản lý bảo vệ rừng kiểm tra loại rừng bị cháy trên hình ảnh vệ tinh từ tọa độ trong tin nhắn báo cháy qua điện thoại.
Cán bộ Phòng quản lý bảo vệ rừng kiểm tra loại rừng bị cháy trên hình ảnh vệ tinh
từ tọa độ trong tin nhắn báo cháy qua điện thoại.

Hà Giang hiện có trên 437.000 ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên là trên 356.301 ha, rừng trồng trên 80.299 ha, độ che phủ rừng đạt 54,3%; khí hậu nhiệt đới gió mùa kết hợp với khí hậu á nhiệt đới vùng núi cao, có mùa Đông lạnh kéo dài, mùa Hè nóng, mưa nhiều thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi nhiệt đới, á nhiệt đới, tạo nên sự đang dạng sinh học. Tài nguyên rừng Hà Giang đa dạng và phong phú với nhiều loài quý hiếm như: Lát hoa, Đinh, Nghiến, Pơ mu, Bách xanh và nhiều loại động vật quý hiếm được ghi trong “Sách đỏ” Việt Nam.

Thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng Hà Giang, ngành chức năng đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác BVR - PCCCR như: Phối hợp với các lực lượng vũ trang xây dựng lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ, thành lập các Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ cấp tỉnh đến cơ sở, tăng cường tuyên truyền bảo vệ rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, diễn tập PCCCR...

Đặc biệt từ năm 2014, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với Công ty Cổ phần Hệ thống thông tin lâm nghiệp triển khai phần mềm cảnh báo điểm cháy rừng thông qua tin nhắn điện thoại. Theo đó, tất cả các điểm cháy trên địa bàn tỉnh sẽ được phần mềm này thông báo đến thuê bao di động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh phụ trách khối, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố, các thành viên Ban chỉ huy PCCCR các cấp. Tin nhắn báo điểm cháy cung cấp đầy đủ thông tin về vị trí xã, huyện, tọa độ, lô, khoảnh... Ngay khi có tin nhắn báo đến điện thoại, cán bộ trực cháy của Phòng quản lý bảo vệ rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhanh chóng kiểm tra loại rừng theo tọa độ báo trên hình ảnh vệ tinh, kịp thời báo cáo lãnh đạo. Nếu là đám cháy phát ra từ việc đốt nương rẫy của người dân thì báo về địa phương theo dõi, không để đám cháy lan sang khu vực có rừng; nếu là đám cháy thuộc khu vực có rừng, BCĐ cấp tỉnh chỉ đạo ngay lực lượng PCCCR địa phương thực hiện các phương án PCCCR tại chỗ, huy động lực lượng đến ngay điểm cháy để dập lửa, không để đám cháy lan rộng. Với cách làm này, lực lượng chức năng vừa kiểm soát được công tác PCCCR, vừa không mất thời gian vào tận rừng để xác minh đám cháy như trước đây, vừa giảm chi phí cho công tác PCCCR. 

Trong mùa khô năm 2014 - 2015, thông qua tin nhắn điện thoại đã phát hiện có 189 điểm cháy, BCĐ cấp tỉnh kịp thời chỉ đạo công tác PCCCR hiệu quả, diện tích đám cháy nhỏ hơn nhiều so với trước đây.

Trao đổi với phóng viên về tính kịp thời, hiệu quả của công tác PCCCR khi áp dụng phần mềm báo cháy qua thuê bao điện thoại, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - Bùi Văn Đông - cho biết: “Việc áp dụng phần mềm không chỉ giúp phát hiện sớm điểm cháy để kịp thời phối hợp các lực lượng chữa cháy nhanh, hiệu quả, không để đám cháy lan rộng, mà còn góp phần nâng cao ý thức, tính chủ động và trách nhiệm của chính quyền, người dân địa phương trong công tác PCCR. Vì với phần mềm này, các địa phương không thể che giấu việc để xẩy ra cháy rừng trên địa bàn. Chi cục Kiểm lâm cũng tham mưu cho tỉnh đưa thành tích BVR - PCCCR rừng vào tiêu chí thi đua hàng năm của các huyện, thành phố...”.

Hiệu quả từ việc ứng dụng phần mềm “Cảnh báo sớm điểm cháy rừng” của Chi cục Kiểm lâm tỉnh không chỉ giúp Hà Giang làm tốt công tác BVR – PCCCR, mà còn góp phần vào thành công của việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn toàn tỉnh.
Báo Hà Giang

Có thể bạn quan tâm