Hiệu quả từ phong trào “Hai giỏi” trong ngành giáo dục ở Hậu Giang

Hiệu quả từ phong trào “Hai giỏi” trong ngành giáo dục ở Hậu Giang
                                Hiệu quả từ phong trào “Hai giỏi” trong ngành giáo dục ở Hậu Giang ảnh 1
Cô Nguyễn Thị Xuân, giáo viên Trường Tiểu học Hùng Vương, thị xã Ngã Bảy, đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn để dạy tốt.

Điển hình như cô Nguyễn Thị Xuân, giáo viên Trường Tiểu học Hùng Vương, thị xã Ngã Bảy, đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn để dạy tốt. Nhắc đến cô Xuân là các giáo viên ở trường nhớ ngay đến kết quả thành tích đáng khâm phục của cô: 5 năm liền từ năm học 2009-2010 đến nay, 100% học sinh lớp 4 do cô chủ nhiệm đều đạt học sinh giỏi, không có tỷ lệ học sinh bỏ học. Từ năm 2010 đến nay, trên 20 học sinh giỏi toán qua mạng internet, số lượng giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh, cấp thị xã ở hội thi “Vở sạch chữ đẹp” cũng có hơn 30 em… Được biết, cô Xuân công tác trong ngành đã hơn 28 năm, dù công việc nhà trường, công việc gia đình bận rộn muôn bề nhưng cô vẫn đảm đương và hoàn thành rất tốt cả hai nhiệm vụ. Ở trường, cô nhiệt tình với công việc, luôn đưa ra nhiều sáng kiến hay góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ cho trường. Năm 2013, cô vinh dự được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn là “Nhà giáo tiêu biểu về tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Ở nhà cô là người vợ, người mẹ hiền, luôn quan tâm chăm sóc cho chồng và 2 con. Quả thật, nếu không tâm sự cùng cô thì khó có thể biết được để gắn bó, trụ lại với nghề, cô Xuân đã phải nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn của gia đình đến mức nào. Cô Xuân bộc bạch: “Cứ ngỡ hạnh phúc trọn vẹn với mình. Thế nhưng, số phận trớ trêu khi năm 2006, trong niềm vui được điều động về trường điểm (Trường Tiểu học Hùng Vương) giảng dạy, thì cũng năm đó chồng cô bị tai nạn xe phải nằm một chỗ. Mọi gánh nặng gia đình đè nặng lên vai cô. Vừa chăm sóc chồng, vừa lo cho các con ăn học. Nhờ sự động viên, hỗ trợ của đồng nghiệp, sự quan tâm, yêu mến của học trò, cô đã vượt qua khó khăn để vươn lên dạy tốt”.

Hay trường hợp của cô Lý Như Hằng, giáo viên trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hậu Giang cũng là một điển hình trong phong trào thi đua “Hai giỏi”. Cô Hằng tâm sự: “Vừa lo công việc trường, vừa lo công việc gia đình cũng có lúc tôi kham không nổi, nhưng được sự hỗ trợ của chồng, sự quan tâm giúp đỡ của đồng nghiệp cùng với sự tâm huyết với nghề giáo, nên mọi khó khăn tôi đều vượt qua. Đặc biệt, tôi đã xây dựng cho mình một thời gian biểu hợp lý, khoa học nên khó khăn nào mình cũng cố gắng vượt qua để truyền đạt kiến thức cho các em học sinh”. Được biết, tuy không phải học ngành sư phạm (cô tốt nghiệp ngành kỹ sư quản lý đất đai) nhưng cô Hằng đã có trên 8 năm gắn bó với công tác giáo dục. Năm 2010, khi đã dạy ở Trường Cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long được 4 năm, thì cô theo chồng về công tác tại trường, không bao lâu cô đã được công nhận giáo viên dạy giỏi nhất cấp trường. Đến cuối năm 2010, cô đạt giải nhất cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm 2012, trong hội thi “Giáo viên dạy giỏi trung cấp chuyên nghiệp toàn quốc” lần thứ 9, tổ chức ở Nha Trang, cô đã xuất sắc đạt giải nhì hội thi. Cô chia sẻ: “Đối với tôi, hạnh phúc nhất là thấy gia đình được vui vẻ, các con ngoan hiền, học tốt. Đó chính là động lực, là niềm tin giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường”.

Có thể khẳng định, phong trào thi đua “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” đã động viên, khuyến khích nữ nhà giáo tích cực đổi mới, trau dồi kiến thức, nâng cao chất lượng giảng dạy, nhiều chị em phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Ban nữ công Công đoàn giáo dục các cấp đã tích cực tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, hội thảo cải tiến phương pháp dạy học và áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy. Nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, nữ giáo viên các cấp học đã đạt giải cao trong các kỳ hội giảng cấp huyện, cấp tỉnh. Từ năm học 2009-2010 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.500 nữ giáo viên đạt giải các cấp. Nhiều nữ giáo viên đã tận tụy, hết lòng giảng dạy học sinh, nhất là trong việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi góp phần tạo nên thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và quốc gia. Chẳng hạn như cô Võ Thị Mỹ Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh. Từ năm học 2009-2010 đến nay, cô đã ôn luyện, bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh đạt trên 40 giải cấp tỉnh và khu vực.

Thầy Kiều Văn Thọ, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh, cho biết: “Qua phong trào thi đua “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”, nhiều nữ nhà giáo đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, nêu cao trách nhiệm của mình đối với gia đình và học sinh, không chỉ làm tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ tổ chức cuộc sống gia đình theo tiêu chí: ấm no - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc, mà còn làm người thầy mẫu mực”.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm