Hiệu quả từ mô hình giảm nghèo tại Thái Nguyên

Hiệu quả từ mô hình giảm nghèo tại Thái Nguyên
Anh Lã Văn Đặng, dân tộc Tày (Thái Nguyên ) đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Anh Lã Văn Đặng, dân tộc Tày (Thái Nguyên ) đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế  cho thu nhập mỗi năm trên 500 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2017, Cục đã tiến hành khảo sát, lựa chọn địa bàn và đơn vị thực hiện “Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2017-2018”. Theo đó, cả nước có 506 hộ dân của 10 tỉnh tham gia thực hiện 10 mô hình thí điểm, đây là những hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ chính sách… Trong đó, các mô hình được phân bổ theo cơ cấu 3 mô hình cây trồng, 3 mô hình tổ hợp tác cơ giới hóa sử dụng máy và 4 mô hình về chăn nuôi. Các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật, cung cấp giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Nhiều mô hình được đánh giá cao, mang lại hiệu quả cho người dân như mô hình nhân rộng nuôi cá rô phi đơn tính tại Thái Bình, mô hình nhân rộng tổ hợp tác cơ giới hóa sản xuất ngô tại Cao Bằng, mô hình nhân rộng tổ hợp tác nuôi bò sinh sản ở Sóc Trăng, mô hình tổ hợp tác chế biến thủy hải sản tại Quảng Trị… Tất cả các mô hình đều đã huy động được nguồn vốn đóng góp đối ứng bằng tiền của người dân và địa phương, các địa phương cũng đã liên kết thành công giữa dự án với các tổ chức như tổ hợp tác, hợp tác xã về cung ứng vật tư, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm giúp bà con yên tâm sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập. Từ những thành công của năm 2017, sang năm 2018, Chương trình tiếp tục triển khai 33 mô hình gồm 16 mô hình trồng trọt, 13 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình tổ hợp tác cơ giới hóa, sử dụng máy và 1 mô hình nuôi xen canh tôm - lúa. Trong đó có 27 mô hình do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn ký hợp đồng với các Chi cục Phát triển nông thôn và 6 mô hình do các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Hiện nay, các mô hình do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn ký hợp đồng đã cơ bản hoàn thành trên 85%, một số mô hình hoàn thành trên 90% và đã tiến hành nghiệm thu như mô hình ở Chi cục Phát triển nông thôn các tỉnh Ninh Bình, Bình Phước, Quảng Bình… Là một trong 10 tỉnh được chọn triển khai chương trình, Thái Nguyên thực hiện mô hình tổ hợp tác chăn nuôi dê cỏ sinh sản bán chăn thả tại xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ với 44 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông của 5 bản vùng cao tham gia. Người dân được hỗ trợ 132 con dê cái giống, các hộ dân đối ứng 44 dê đực giống và làm chuồng nuôi. Ông Nguyễn Ngọc Quỳ, Chi cục phó Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, mô hình tổ hợp tác nuôi dê cỏ sinh sản bán chăn thả phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu vùng miền núi Thái Nguyên, chi phí đầu tư chuồng trại, con giống thấp, đầu ra sản phẩm ổn định… mô hình đã mang lại hiệu quả bước đầu cho người dân và việc nhân rộng mô hình này trong thời gian tới có tính khả thi cao. Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, các mô hình đã triển khai là những mô hình sản xuất phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, đồng thời phù hợp với khả năng tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo còn có một số tồn tại hạn chế như: việc lựa chọn địa bàn ở một số mô hình chưa được phù hợp, chưa căn cứ vào nhu cầu của người dân, đặc biệt là quy hoạch sản xuất và tổ chức lại sản xuất nên khả năng nhân rộng chưa cao. Bên cạnh đó, một số đơn vị được giao xây dựng và nhân rộng mô hình còn lúng túng trong triển khai thực hiện, chưa cử cán bộ có kinh nghiệm, cán bộ biệt phái, chưa nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của Cục và của Bộ. Theo kế hoạch, năm 2019, Chương trình sẽ tiếp tục triển khai xây dựng và nhân rộng 32 mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại 30 tỉnh trong cả nước; trong đó, có 3 mô hình gắn với thực hiện Chương trình không còn nạn đói ở Việt Nam. Điểm mới trong lựa chọn mô hình năm 2019 là Cục sẽ yêu cầu các đơn vị đề xuất mô hình phải khảo sát kỹ về địa bàn thực hiện, số hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, điều kiện đối ứng của các hộ dân… để đảm bảo Chương trình mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân.
Thu Hằng

Có thể bạn quan tâm