Hiệu quả từ giao đất, giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình ở Hòa Bình

Hiệu quả từ giao đất, giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình ở Hòa Bình
Nhờ đó, cộng đồng dân cư xóm và hộ gia đình đã có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng. Hiện tượng phá rừng, khai thác rừng, lâm sản, lấn chiếm chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp đã giảm nhiều. Đặc biệt, nhiều khu rừng giao cho cộng đồng quản lý đã phát huy được tính tích cực của văn hoá làng xã từ lâu đời nên được bảo vệ tốt.

Công tác trồng rừng hiệu quả hơn với tỷ lệ thành rừng cao; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân; góp phần xoá đói, giảm nghèo, từng bước góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều hộ dân trong tỉnh đã tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng sản xuất; trong đó, cây keo lai khẳng định được giá trị kinh tế với thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng/ha. Tỉnh còn hình thành nhiều trang trại nông, lâm nghiệp, mô hình kinh tế hộ gia đình cho hiệu quả kinh tế cao ở các huyện Kim Bôi, Lạc Thuỷ, Tân Lạc.

Ông Lê Minh Thủy, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện tỉnh đã thành lập được 1.830 tổ, đội quần chúng với 12.028 người tham gia bảo vệ rừng; 206 xã có rừng đã xây dựng được bản Quy ước bảo vệ rừng. Diện tích rừng được trồng từ 2006-2016 là 55.000 ha; diện tích rừng tự nhiên được khoanh nuôi, bảo vệ là hơn 76.951 lượt ha, chủ yếu do cộng đồng dân cư, hộ gia đình bỏ công chăm sóc, bảo vệ. Tỷ lệ che phủ rừng sau 10 năm tăng từ 40,4% lên 51,2%.

Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa như kỳ vọng. Hầu hết các khu rừng giao cho cộng đồng là rừng tự nhiên sau khai thác, trữ lượng thấp; thường áp dụng phương pháp khoanh nuôi tái sinh; thiếu nguồn vốn đầu tư để thực hiện trồng bổ sung nâng cao chất lượng rừng. Diện tích rừng tự nhiên được giao cho hộ gia đình hầu như không mất nhưng kém phát triển do các hộ ít quan tâm. Việc hưởng lợi từ rừng còn ít nên chưa mang lại hiệu quả về kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Dũng khẳng định, chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số là đúng đắn. Tuy vậy, mức hỗ trợ thấp, thủ tục khai thác sử dụng vẫn còn rườm rà.

Do đó, để phát triển rừng bền vững, nhà nước cần xây dựng chính sách khuyến khích tích tụ đất đai, liên doanh liên kết, hình thành các tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi trong lâm nghiệp. Từ đó, thu hút vốn đầu tư xã hội vào trồng rừng sản xuất.

Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, tỉnh Hoà Bình kiến nghị cần sửa đổi một số quy định cũng như điều chỉnh lại khái niệm chưa phù hợp trong Luật Đất đai năm 2013 và Dự thảo Luật Bảo vệ phát triển rừng.

Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm nguồn kinh phí để sớm tổ chức kiểm kê rừng trên địa bàn toàn quốc; xây dựng chính sách hưởng lợi và cơ chế hưởng lợi đảm bảo cho đối tượng nhận rừng yên tâm quản lý, bảo vệ và tăng cường đầu tư để phát triển rừng; thay đổi các quy trình kỹ thuật lâm sinh không còn phù hợp./.
Nhan Sinh

Có thể bạn quan tâm