Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Anh Thào A Của (phải) trưởng bản Nả Khắt (Yên Bái) cho biết về việc nhận và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ảnh : yenbai.gov.vn
Anh Thào A Của (phải) trưởng bản Nả Khắt  (Yên Bái) cho biết về việc nhận và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ảnh : yenbai.gov.vn
Rừng trên địa bàn tỉnh Yên Bái có khả năng cung ứng 2 loại dịch vụ môi trường rừng là các nhà máy thủy điện và Công ty nước sạch. Năm 2017, tổng diện tích rừng của tỉnh Yên Bái có cung ứng dịch vụ môi trường rừng là trên 174.000 ha, đã chi trả trên 66,7 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng thu được từ 25 nhà máy thủy điện và 4 công ty cung cấp nước sạch. Trong 9 tháng năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận hơn 74 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 66,6% kế hoạch năm. Theo ông Tô Xuân Quý, Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái, từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, việc bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm hẳn. Hơn nữa, môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Xã Tân Hương, huyện Yên Bình là một trong những địa phương có nhiều diện tích được chi trả từ dịch vụ môi trường rừng. Năm 2017, xã có trên 800 ha rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền trên 180 triệu đồng. Đây là động lực để bà con trong xã tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Chị Vũ Thị Thu Hiền, Cán bộ địa chính kinh tế xã Tân Hương, huyện Yên Bình cho biết, xã có đặc điểm là đất rừng của hộ gia đình, không phải đất giao khoán, từ khi triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con trong xã đã ý thức hơn về bảo vệ rừng, chu kỳ khai thác rừng được kéo dài đến gần 10 năm, chất lượng rừng ngày được nâng cao, tình trạng cháy rừng giảm. Trước đây, khi chưa có chính sách này, chu kỳ khai thác của người dân chỉ khoảng 4-5 năm, hiệu quả không cao. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của nhân dân về vai trò và tác dụng của rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống trên địa bàn. Ông Trương Trọng Ngân, thôn Loan Hương, xã Tân Hương, huyện Yên Bình chia sẻ, từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ông và người dân trong thôn thấy được giá trị kinh tế từ rừng hơn so với trồng lúa. Gia đình ông có hơn 5 ha rừng, mỗi năm nhận được hơn 1 triệu đồng, có thêm một phần thu nhập ông và các hộ trong thôn có động lực và trách nhiệm với rừng hơn. Trước khi triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt tại các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải thường xuyên xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng để làm nương rẫy… Từ khi triển khai chính sách này, các vụ cháy rừng đã giảm rõ rệt, so với năm 2012, số vụ cháy rừng đã giảm trên 80%, bởi khi được giao khoán bảo vệ rừng, người dân nơi đây bước đầu có ý thức và trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng. Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã thành lập các tổ để tuyên truyền nâng cao nhận thức về dịch vụ chi trả môi trường rừng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn các cấp, cho chủ rừng về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, kiểm tra, giám sát việc rà soát, xây dựng phương án diện tích rừng, đối tượng được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đến từng hộ dân. Đồng thời, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm những kiến nghị, đề xuất của nhân dân về chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Có thể thấy chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại lợi ích kép cho bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (các nhà máy thủy điện và công ty nước sạch) và bên cung ứng rừng (các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng). Bên sử dụng có nguồn nước điều tiết thủy điện, đảm bảo sản xuất điện năng và có nguồn nước sạch để cung cấp phục vụ cho người dân, bên cung ứng thì có thêm thu nhập góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân.
Đinh Thùy

Có thể bạn quan tâm