Hiệu quả mô hình trường học bán trú ở vùng cao Sơn La

Hiệu quả mô hình trường học bán trú ở vùng cao Sơn La
Có mặt vào đúng giờ ăn trưa của trường Phổ thông dân tộc bán trú Hang Chú, huyện Bắc Yên mới thấy hết không khí phấn khởi, vui vẻ của các học sinh ở đây. Trên những khuôn mặt hồn nhiên, có em còn lấm lem bùn đất hiện lên sự háo hức khi giờ ăn bắt đầu. Ngày nào cũng thế, vào bữa trưa và tối, hơn 220 suất ăn được cán bộ, nhân viên nhà trường xếp gọn vào những chiếc cặp lồng sạch sẽ. Các học sinh ở lần lượt xếp hàng, chờ đến lượt mình để được thầy cô phát cơm. Các món ăn dù chưa được phong phú, đầy đủ nhưng đã phần nào đáp ứng được khẩu phần của các em mỗi ngày. 

Thực hiện quyết định của ngành giáo dục tỉnh Sơn La, từ năm 2011, trường Trung học cơ sở Hang Chú đã chuyển đổi sang mô hình phổ thông dân tộc bán trú. Ở đây mỗi tháng các học sinh ở bán trú được hỗ trợ 484.000 đồng và 15 kg gạo. Nhờ mô hình này, sau mỗi buổi tan học thay cho việc các em phải “ngược sơn” về bản trên con đường xa xôi, nay các em được ở lại ăn, ngủ, học ngay tại trường trong những căn phòng ấm cúng và chỉ về nhà vào ngày cuối tuần. 
Một bữa ăn của học sinh bán trú Trường PTDT bán trú THCS Hang Chú (Bắc Yên).Ảnh: Phan Trang - Báo Điện tử Sơn La
Một bữa ăn của học sinh bán trú Trường PTDT bán trú THCS Hang Chú (Bắc Yên).Ảnh: Phan Trang - Báo Điện tử Sơn La

Em Hờ A Thái, học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Hang Chú chia sẻ: "Trước kia lúc nhà trường chưa nấu ăn, chúng em đi học rất khó khăn, phải đi bộ mấy chục ki-lô-mét, rồi còn phải tự nấu ăn nên nhiều khi phải nhịn đói. Bây giờ được nhà trường nấu ăn, có nhà bán trú để ở nên chúng em có thời gian ăn học kéo dài, thoải mái hơn". 

Hang Chú là xã vùng 3 của huyện Bắc Yên hiện còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều bản ở vùng cao, vùng xa giao thông đi lại khó khăn, phức tạp vì thế việc đến trường của học sinh rất vất vả. Hàng ngày, học sinh ở các bản như Nậm Lộng, Pá Đông, Pá Hốc, Suối Lềnh... phải đi bộ vượt 20-30km đường rừng núi, khe, suối mới có thể đến trường học chữ. Vào mùa mưa, đường lầy lội, nước lũ ở suối dâng bất ngờ, có em khi đến được lớp học thì quần áo, sách vở đều ướt đẫm, việc học vì thế cũng gián đoạn. Bên cạnh đó, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đường đến trường xa, điều kiện học tập còn thiếu thốn nên nhiều học sinh đã bỏ học giữa chừng, về nhà làm nương rẫy cùng cha mẹ hoặc ở nhà trông em. 

Chính vì những khó khăn trên, nhiều năm trước đây, nỗi lo sĩ số theo từng ngày, từng tuần đã trở thành "gánh nặng" đối với thầy cô giáo tại nhà trường. Nhờ triển khai thực hiện mô hình trường học bán trú, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Hang Chú luôn chiếm từ 98-100% học sinh trong độ tuổi đi học. Đến nay, nhà trường có tổng số 290 học sinh, trong đó có 228 em đang ở bán trú tại trường. 

Ông Nguyễn Văn Thỏa , Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Hang Chú cho biết, các học sinh của trường đến từ bản xa nhất là 37 km. Từ khi có mô hình bán trú, các em được các thầy cô giáo, nhân viên cấp dưỡng trong nhà trường nấu ăn, nhờ đó các em yên tâm học tập, rèn luyện cũng như là ăn ở vệ sinh khoa học hơn trước; đặc biệt là công tác duy trì sĩ số học sinh của nhà trường luôn được đảm bảo. Mô hình trường học bán trú không chỉ giúp các học sinh bớt đi khó khăn, vất vả mà còn giúp các em chuyên tâm học tập để thực hiện những ước mơ, hoài bão như bao bạn học cùng trang lứa ở thị trấn, thành phố./. 


 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm