Hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững tại Bình Thuận

Hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững tại Bình Thuận

Hỗ trợ 100 bò cái giống giúp hộ nghèo huyện miền núi Bác Ái phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Hỗ trợ 100 bò cái giống giúp hộ nghèo huyện miền núi Bác Ái phát triển kinh tế
theo hướng bền vững. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, Bình Thuận đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập, ưu đãi tín dụng cho hộ nghèo. Năm 2017, toàn tỉnh đã giải quyết cho 1.710 hộ nghèo vay hơn 58 tỷ đồng để phát triển sản xuất, nâng tổng số dư nợ đến nay tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh gần 280 tỷ đồng. Thông qua các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật... nhiều hộ đã sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Công tác đào tạo nghề được Bình Thuận gắn liền với giải quyết việc làm, các hoạt động giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động được đẩy mạnh.

Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận đã đào tạo nghề cho hơn 11.300 lao động, trong đó có 653 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở, giáo dục, y tế, điện, nước sinh hoạt…cho các hộ nghèo, cận nghèo các vùng khó khăn.

Song song đó, các mô hình giảm nghèo bền vững tiếp tục được tỉnh triển khai hiệu quả. Từ nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh Bình Thuận đã dành 14 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng các công trình tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã thuộc chương trình 135 (hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn).

Đặc biệt, Bình Thuận còn dành 6,7 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình kinh tế giảm nghèo. Các địa phương của tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế giảm nghèo có hiệu quả như: Chăn nuôi bò sinh sản, trồng thanh long VietGap, trồng bắp lai, nuôi gà an toàn sinh học… 

Dạy nghề đan móc len thủ công cho người khuyết tật tại Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Dạy nghề đan móc len thủ công cho người khuyết tật tại Ninh Thuận.
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Để đạt được chỉ tiêu đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1-1,2% và đảm bảo người nghèo được thụ hưởng các chính sách trợ giúp để cải thiện điều kiện sống, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Thuận tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các dự án, chính sách giảm nghèo.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã hội đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động từ các chương trình đề án phát triển kinh tế- xã hội khác để đầu tư cho chương trình giảm nghèo. Các cấp, các ngành và các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp hỗ trợ hộ người nghèo thiếu đất sản xuất thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tốc độ phát triển kinh tế phi nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ kịp thời các hộ bị thiên tai..., hạn chế tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo.
Hồng Hiếu

Có thể bạn quan tâm