HĐND các địa phương xác định giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017

HĐND các địa phương xác định giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017
Quang cảnh kỳ họp HĐND tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Công Hải - TTXVN
Quang cảnh kỳ họp HĐND tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Công Hải - TTXVN

* Xác định vấn đề cốt lõi, phát huy lợi thế của Lai Châu

 

Sáng 7/12, HĐND tỉnh Lai Châu khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã khai mạc kỳ họp thứ tư. Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, các đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu cần quán triệt tinh thần Nghị quyết của Quốc hội để thể hiện trong các Nghị quyết của HĐND tỉnh Lai Châu, nhất là trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương như: kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh. Lai Châu cần xác định vấn đề cốt lõi, phát huy những lợi thế của tỉnh để quyết định đúng đắn các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2017, quyết định dự toán ngân sách địa phương và quyết định kế hoạch đầu tư của giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn, đảm bảo có hiệu quả và tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

HĐND tỉnh Lai Châu cần tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường công tác giám sát, tranh luận, thảo luận trong Kỳ họp, để quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương đạt kết quả cao nhất.

 

Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu sẽ thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2017; Nghị quyết về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020...

 

* Hậu Giang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế

 

Ngày 7/12, HĐND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021 tổ chức kỳ họp thứ tư, thông qua nhiều báo cáo, tờ trình và đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2017.

 

Năm 2017, Hậu Giang đẩy mạnh thực hiện chương trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tập trung chủ yếu vào tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đầu tư công. Tỉnh tích cực vận dụng các cơ chế, chính sách để huy động mạnh các nguồn vốn thuộc mọi thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển; thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 đi vào chiều sâu; tập trung vốn cho các công trình kết cấu hạ tầng, các dự án cấp thiết, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả. Tỉnh cũng tổ chức xúc tiến thương mại để nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh có thêm thị trường tiêu thụ; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

 

Hậu Giang đề ra một số chỉ tiêu phát triển trong năm 2017 như tổng sản phẩm trong tỉnh theo giá hiện hành đạt hơn 26.000 tỷ đồng, tăng hơn 9% so cùng kỳ; GRDP bình quân đầu người đạt gần 34 triệu đồng/người; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tương đối tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp từ 32,5% còn 30,9%, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng từ 21,5% lên 22,1% và khu vực dịch vụ từ 46% lên 46%…

 

Năm 2017, HĐND tỉnh Hậu Giang tăng cường thực hiện các chương trình giám sát, khảo sát; phối hợp một số địa phương tổ chức gặp gỡ và đối thoại nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc kéo dài giữa nhân dân và chính quyền.

 

* Đưa Bình Phước tiến lên công nghiệp hóa

 

Sau 3 ngày làm việc, ngày 7/12, các đại biểu dự kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Bình Phước khóa 9 thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; trong đó có một số nghị quyết được quan tâm lớn như danh mục các dự án đầu tư lớn cần thu hồi đất năm 2017 trên địa bàn tỉnh Bình Phước; phê duyệt biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Phước; mức học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước áp dụng cho năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021; quy định về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh; nghị quyết về chế độ chính sách đối với già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và một loạt nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017…

 

Trước đó, trong chương trình thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Phước đề ra mục tiêu đưa tỉnh tiến lên công nghiệp hóa. Mặc dù, hiện nền kinh tế của tỉnh đang còn lệ thuộc đến 80% là sản xuất nông nghiệp, song tỉnh Bình Phước phấn đấu trong 5 năm tới sẽ chuyển dịch bằng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, cụ thể, một loạt dự án lớn như khu công nghiệp- đô thị Becamxe- Bình Phước có diện tích trên 2.000ha, khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư và 18 khu công nghiệp tập trung sẽ tạo động lực thu hút các nhà đầu tư.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm nhấn mạnh, tỉnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội; trong đó ưu tiên về chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tập trung xây dựng trung tâm hành chính công tinh gọn; đẩy mạnh phát triển hạ tầng; xây dựng nông thôn mới gắn với mô hình chuyển đổi nông nghiệp công nghệ cao; hình thành chuỗi liên kết sản xuất… Những động lực và giải pháp trên là cơ hội để Bình Phước rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh, thành trong khu vực miền Đông Nam bộ và vùng động lực kinh tế phía Nam; phấn đấu tăng thu ngân sách, giảm lệ thuộc vào ngân sách của Trung ương trong vài năm tới./.

Có thể bạn quan tâm