Hai học sinh Gia Lai tham dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật Quốc tế - Intel ISEF 2018

Hai học sinh Gia Lai tham dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật Quốc tế - Intel ISEF 2018
Hai em Phan Thị Huyền Vy và Bùi Minh Thi, học sinh lớp 11C6, trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai trong buổi gặp mặt. ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Hai em Phan Thị Huyền Vy và Bùi Minh Thi, học sinh lớp 11C6, trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai trong buổi gặp mặt. ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Tư Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết: Dù điều kiện học tập, thực hành kỹ thuật trong nhà trường còn nhiều hạn chế, khó khăn nhưng các em học sinh và  giáo viên hướng dẫn đã nỗ lực để đạt được thành tích qua các kỳ thi ở tỉnh và Quốc gia. Việc hai em học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai được chọn tham dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật Quốc tế - Intel ISEF 2018 là niềm vinh dự của tỉnh Gia Lai; đồng thời cũng là tiền đề để các thế hệ học sinh tiếp tục phát huy những kiến thức được học tập giảng dạy trong nhà trường, kết hợp với nguồn lực địa phương  tích cực tìm tòi, từng bước nghiên cứu khoa học.

Trước đó, tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp Quốc gia năm học 2017-2018 đã có 25 dự án đoạt giải Nhất. Sau đó, từ vòng thi thuyết trình bằng tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn 8 dự án xuất sắc, đại diện cho Việt Nam tham dự  Cuộc thi khoa học, kỹ thuật Quốc tế - Intel ISEF 2018 diễn ra tại Hoa Kỳ vào ngày 12-20/5/2018. Dự án “Khả năng hấp thụ và phóng thích thuốc Famotidin của mạng lưới cấu trúc 3D-nano-cellulose (M3NC) lên men từ trà xanh (Camellia sinensis)” của hai học sinh Phan Thị Huyền Vy và Bùi Minh Thy, học sinh lớp 11C6, Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai là 1 trong 8 dự án xuất sắc được chọn tham dự cuộc thi quốc tế này.

Em Phan Thị Huyền Vy cho biết: Sống trên vùng đất đỏ Tây Nguyên, các em nhận thấy cây chè xanh (Camellia sinensis) là loại cây dễ trồng, phổ biến, sinh trưởng tốt trong điều kiện tự nhiên tại tỉnh Gia Lai. Kết quả nghiên cứu cho thấy, dịch chè xanh lên men có chứa vi khuẩn tạo được mạng lưới cấu trúc 3D-nano-cellulose có thể hấp thu và phóng thích Famotidine (một loại thuốc điều trị đường tiêu hóa), khả năng làm tăng sinh khả dụng của thuốc. Dự án của hai em tận dụng phương pháp tạo chế phẩm trong dân gian từ dịch chè xanh lên men để tạo hệ M3NC vận tải và phân phối thuốc giúp cho việc hấp thu và phóng thích thuốc Famotidine kéo dài, làm tăng sinh sự khả dụng của thuốc so với viên nén trên thị trường.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai trao hoa và quà cho nhóm tác giả tham dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật Quốc tế - Intel ISEF 2018 tại Hoa Kỳ. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai trao hoa và quà cho nhóm tác giả tham dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật Quốc tế - Intel ISEF 2018 tại Hoa Kỳ. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Dự án trên được hai em Vy và Thy triển khai từ tháng 6/2017 với sự hướng dẫn của Tiến sỹ Phùng Thị Kim Huệ, Giáo viên môn Sinh học tại Trường THPT chuyên Hùng Vương. Dự án này đoạt giải Nhì cấp tỉnh và giải Nhất cấp quốc gia trong “Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học” năm học 2017-2018.

Theo Tiến sỹ Phùng Thị Kim Huệ, việc áp dụng những kết quả nghiên cứu từ dự án “Khả năng hấp thụ và phóng thích thuốc Famotidin của mạng lưới cấu trúc 3D-nano-cellulose (M3NC) lên men từ trà xanh (Camellia sinensis)” là rất khả thi.  Hiện đã có 3 công ty dược trong nước đặt vấn đề ký kết hợp đồng, đặt hàng sản phẩm với nhóm tác giả. Tuy nhiên, theo quy định  của cuộc thi cấp quốc tế này, sau khi đoạt giải và công bố nghiên cứu, nhóm tác giả mới được quyền sử dụng nghiên cứu của mình cho hoạt động kinh doanh.
Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm