Hà Tĩnh nỗ lực bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt

Hà Tĩnh nỗ lực bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt
Bóc vỏ cây - một công việc thường xuyên của người Chứt. Ảnh: vme.org.vn
Bóc vỏ cây - một công việc thường xuyên của người Chứt. Ảnh: vme.org.vn

Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên (Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: Người Chứt sống du canh, du cư tại các địa bàn rẻo cao huyện Hương Khê cách đây khoảng 40 năm. Năm 2001, được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện và đưa về định cư tại bản Rào Tre. Đề án “Bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê) đến năm 2020” đã làm thay đổi đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số này.

Khu tái định cư đồng bào dân tộc Chứt được hoàn thành tháng 5/ 2018. Dựa trên nhu cầu tách giãn dân đã có 11 hộ dân với 43 nhân khẩu mới lập gia đình chưa có nhà ở hoặc đang ở nhà tạm tại bản Rào Tre được tạo điều kiện chuyển lên sinh sống ở khu tái định cư mới. Ngoài được cấp nhà sàn kiên cố trị giá hơn 200 triệu đồng, các hộ dân ở khu tái định cư còn được cấp hơn 2 héc ta rừng để sản xuất. Vợ chồng chị Hồ Thị Núi và anh Hồ Viết Me cưới nhau đã lâu và có hai con. Anh Hồ Viết Me là người dân tộc Rục ở Quảng Bình nên sau khi cưới, vợ chồng anh chị về sống cùng cha mẹ đẻ chị Núi. Vợ chồng chị Núi là một trong 11 gia đình được chuyển về khu tái định cư của người dân tộc Chứt. Chị Hồ Thị Núi cho biết: Nhà mới khang trang, thoải mái lắm. Gia đình chị về ở đây được cấp giường, tủ và các đồ dùng sinh hoạt cần thiết. Từ nay mưa bão gia đình chị cũng không sợ nữa, lo làm ăn thôi.

Đề án “Bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre” với nhiều chủ trương, chính sách đã cải thiện cơ sở hạ tầng và đời sống dân sinh của đồng bào dân tộc Chứt. Đến nay, cơ bản đồng bào đã có nhà kiên cố hóa. 100% hộ gia đình tại bản Rào Tre có kinh tế vườn hộ, bình quân mỗi hộ có 1 - 2 ha đất lâm nghiệp để sản xuất, 100% số dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như: Điện, đường, trường học, trạm y tế, thủy lợi…được đáp ứng đầy đủ. Người dân bản Rào Tre bây giờ 100% đã biết nói tiếng Kinh, biết học con chữ và biết tự chăm lo, giữ gìn sức khỏe cho bản thân, lao động chân chính để phục vụ cuộc sống.
Hoàng Ngà

Có thể bạn quan tâm