Hà Nội: “Cánh tay nối dài” từ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hà Nội: “Cánh tay nối dài” từ vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại Hội nghị tuyên dương người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc của Thủ đô. Ảnh: An Đăng – TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại Hội nghị tuyên dương người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc của Thủ đô. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Tiên phong làm kinh tế giỏi

Ngày 31/10/2011, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi theo hướng bền vững. Việc thực hiện chính sách dân tộc đã tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô.

Hiện nay, tốc độ phát triển kinh tế các xã vùng dân tộc thiểu số bình quân hàng năm đạt 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm, có xã đạt 35 triệu đồng/năm. Thành phố Hà Nội không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn.

Là một gia đình thuần nông ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, năm 2011, vợ chồng bà Bùi Thị Ngọc tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và lớp học nghề chăn nuôi thú y do Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức.

Khi chưa có kinh nghiệm và vốn, bà Ngọc nuôi 4 con lợn rừng gây nái và 100 con gà ta thả đồi, kết hợp trồng 4 ha keo và các loại cây ăn quả như bưởi Diễn, đu đủ, rau xanh... và nuôi cá sạch. Đến năm 2016, gia đình bà Ngọc xây thêm 2 trại gà thả đồi với diện tích 400 m2, 12 gian chuồng lợn rừng, rào vườn đồi, làm đường bê tông đảm bảo tiện lợi cho hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng.

Hiện tại, gia đình bà Ngọc có 40 con lợn rừng, 2 trại gà ta thả đồi mỗi lứa trên 3.000 con, sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, an toàn, tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn, duy trì diện tích trồng rừng của gia đình. Mỗi năm, thu nhập của gia đình đạt trên 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 6 lao động thời vụ.

Cũng như bà Ngọc, nhiều người dân tộc thiểu số là tấm gương tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo; đi đầu các mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp, đất trống, đồi trọc để tăng diện tích cây trồng, hiến đất làm đường giao thông... Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số đã áp dụng thành công mô hình kinh tế trang trại, không những giúp gia đình mình thoát nghèo mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ dân tộc thiểu số khác thoát nghèo thông qua hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật...

Vai trò nòng cốt giữ gìn an ninh chính trị tại địa phương

Không chỉ làm kinh tế giỏi, những người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số tiêu biểu còn giữ vai trò nòng cốt bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Thông qua tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những người dân tộc thiểu số tiêu biểu đã góp phần quan trọng vào công cuộc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng nông thôn mới, sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo, xoá bỏ tập tục mê tín dị đoan,... tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình công cộng, đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Thôn Đồng Bèn I, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, có 122 hộ với trên 500 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc cùng sinh sống gồm dân tộc Mường, dân tộc Kinh, dân tộc Tày và dân tộc Sán Dìu. Là địa bàn giáp ranh, giáp giới với các xã trong và ngoài huyện nên tình hình an ninh trật tự tại xã có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Trên cương vị trưởng thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Bùi Văn Quyền, người dân tộc Mường, Trưởng thôn Đồng Bèn I đã vận động người thân và cộng đồng người dân tộc thiểu số chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Đặc biệt, với uy tín của mình, ông đã vận động đồng bào tham gia phòng, chống ma tuý, nâng cao nhận thức về tác hại của ma tuý; không tin, không nghe, không làm theo những luận điệu lôi kéo, ép buộc, kích động của kẻ xấu; không gây rối trật tự xã hội..., góp phần đảm bảo tốt an ninh chính trị ở địa phương.

Ông Bùi Văn Quyền còn là cầu nối giúp các hộ dân trong thôn tiếp cận được với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm. Ông luôn trăn trở làm sao để bà con người dân tộc thiểu số thoát nghèo, thoát khổ, cải thiện đời sống. Ông đã cùng đại diện các đoàn thể trong xã, thôn như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ kết nối, giúp bà con vay vốn sản xuất, chăn nuôi.

Ghi nhận những đóng góp của những người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số tiêu biểu ở Thủ đô, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung các chính sách để cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt quan tâm thực hiện các chế độ chính sách, khen thưởng kịp thời nhằm động viên người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nguyễn Cúc - Mai Linh

Có thể bạn quan tâm