Hà Nam triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

Hà Nam triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"
Kho cá ở làng Đại Hoàng (nay là làng Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), nơi nổi tiếng bởi nghề kho cá lâu đời. Ảnh: TTXVN
Kho cá ở làng Đại Hoàng (nay là làng Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), nơi nổi tiếng bởi nghề kho cá lâu đời. Ảnh: TTXVN

Đề án được triển khai nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa phương để góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý; bảo vệ môi trường, giữ gìn giá trị truyền thống và phát triển xã hội nông thôn bền vững.

Theo Đề án, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu, hết năm 2018, hướng dẫn quy trình đăng ký sản phẩm OCOP, hỗ trợ các cơ sở sản xuất hoàn thiện mẫu mã bao bì, logo, tem nhãn 13 sản phẩm đang có thương hiệu trên thị trường; đến năm 2020, có 30 sản phẩm đang được sản xuất tại các địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP. Ngoài ra, mỗi huyện, thành phố trong giai đoạn 2018 – 2020 phát triển thêm ít nhất 3 sản phẩm mới.

Về phát triển các tổ chức kinh tế, củng cố 4 hợp tác xã, 8 hiệp hội và 2 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm hiện có; phát triển mới ít nhất 4 hợp tác xã và 2 -3 doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP. Giai đoạn 2021 – 2030, mỗi năm, mỗi huyện, thành phố phát triển thêm từ 1 – 2 sản phẩm OCOP mới; phát triển mỗi năm ít nhất 10 tổ chức kinh tế và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.

Các nhóm sản phẩm, dịch vụ OCOP tỉnh Hà Nam tập trung phát triển gồm: thực phẩm (nông sản tươi sống và nông sản chế biến); đồ uống (đồ uống có cồn và đồ uống không cồn); thảo dược (các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu); vải và may mặc (các sản phẩm làm từ bông, sợi); lưu niệm, nội thất, trang trí (các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may,... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng); dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng (các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng...).

Tỉnh Hà Nam có chính sách hỗ trợ tín dụng cho sản xuất, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm; hỗ trợ xây dựng hồ sơ công bố chất lượng, mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc hệ thống nhận diện thương hiệu…

Theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, hiện nay, toàn tỉnh có 30 sản phẩm được sản xuất nhiều ở các địa phương. Thực tế tại tỉnh, các sản phẩm hàng hóa sản xuất ra phần lớn chưa có nhãn hiệu, tem, nhãn mác, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên tính cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên thị trường còn thấp. Chủ các cơ sở sản xuất thiếu kiến thức, kỹ năng thị trường và chưa mạnh dạn đầu tư; sản xuất vẫn chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, manh mún; việc áp dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất còn hạn chế… Đề án Mỗi xã một sản phẩm được triển khai sẽ góp phần từng bước giải quyết những tồn tại này.
Nguyễn Thị Chinh

Có thể bạn quan tâm