Hà Lâm - Vùng đất sầu riêng

Hà Lâm - Vùng đất sầu riêng
Niềm vui trong mùa thu hoạch sầu riêng
Niềm vui trong mùa thu hoạch sầu riêng

Triệu phú sầu riêng 
Không khó để tìm được nhà ông Trần Minh Thiên 47 tuổi, ở thôn 2 - một trong những nông dân sản xuất giỏi, “triệu phú sầu riêng” của xã Hà Lâm. 
Gia đình ông Thiên có 3ha vườn, cũng như bao người dân nơi đây, trước đây, vườn cây trái của ông là vườn tạp, mỗi thứ một ít, giá trị kinh tế của vườn hằng năm chẳng mang lại bao nhiêu. Được chính quyền địa phương vận động, ông từng bước chuyển toàn bộ khu vườn nhà sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn là măng cụt và sầu riêng ghép các giống mới như Ri6, Moong Thon, Dona... 
Cho đến nay, vườn ăn trái của ông Thiên trong đó có sầu riêng đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho gia đình. Tổng thu nhập từ vườn mỗi năm trên 600 triệu đồng, trừ đi mọi khoản chi phí chừng 200 triệu đồng, gia đình ông vẫn còn lại một số tiền không nhỏ. Trong niên vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, dù hạn hán kéo dài nhưng nhờ chăm sóc kỹ nên vườn ông vẫn đạt khoảng 30 tấn sầu riêng, khoảng 900 triệu đồng. Riêng măng cụt ông cũng thu được khoảng 5 tấn, chừng trên 75 triệu đồng. 
Không chỉ làm giàu cho mình, ông Thiên bằng kinh nghiệm của mình còn nhiệt tình hướng dẫn cho bà con trong thôn, xã cách chọn các giống sầu riêng ghép phù hợp với điều kiện địa hình, chất đất của từng khu vườn; cách chăm sóc; cách sử dụng phân bón hợp lý để có vườn sầu riêng đạt sản lượng cao như mong muốn. Đồng thời, ông cũng là thành viên tích cực của địa phương trong xây dựng nông thôn mới, vận động mọi người trong vùng chuyển đổi cây trồng, vươn lên làm giàu.
Cũng như ông Thiên, ông Phạm Hồng Phúc, 53 tuổi, người ở thôn 1 - Hà Lâm cũng vươn lên từ trồng sầu riêng giống mới. Trong khu vườn 3ha của mình, ông Phúc trồng xen sầu riêng với nhiều loại cây khác như chôm chôm, mít nghệ, mít tố nữ, măng cụt... Chăm sóc đúng cách, biết áp dụng khoa học kỹ thuật học được từ các lớp tập huấn của huyện, xã tổ chức hằng năm, vườn của ông rất tươi tốt, mỗi năm, gia đình ông thu nhập từ vườn khoảng 500 triệu đồng. Vừa rồi, ông Phúc đã tự nguyện hiến trên 80m² đất vườn với 20 cây chôm chôm nhãn đang thời gian kinh doanh và đóng góp 17 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn.
Khi sầu riêng là cây chủ lực
Hà Lâm nằm ở phía Bắc trung tâm huyện Đạ Huoai với trục Quốc lộ 20 chạy dọc theo xã, ven đường là các vườn cây ăn trái nối tiếp nhau. “Không phải vô cớ mà chúng tôi chọn sầu riêng làm cây chủ lực đâu nhé” - ông Phạm Doãn Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Lâm cho hay. 
Sầu riềng trên vùng đất này đã vang danh từ thời Pháp thuộc, có chất lượng tuyệt hảo, cho đến nay vẫn “danh bất hư truyền”, đến mùa thương lái nhộn nhịp đổ về đây mua trái cây, mua sầu riêng Hà Lâm mang đi mọi nơi.
Nhưng sầu riêng trồng hạt nơi đây trải qua nhiều đời đã bị thoái hóa giống nặng nề, năng suất thấp, sâu bệnh hoành hành, đặc biệt là các loài nấm bệnh ký sinh trên cây, làm bao nhà vườn điêu đứng. Một quãng thời gian dài, người dân nơi đây loay hoay với bao thứ cây trái trong các khu vườn tạp, thu nhập mỗi thứ một ít không bõ công chăm sóc nên sống nghèo khó trên vùng đất đai này. 
Và sầu riêng chỉ thực sự lên ngôi từ năm 2000 đến nay, đó là năm Công ty Dona - Techno lên đây mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng sầu riêng ghép cho nông dân Hà Lâm, họ bán cây giống, bán phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật cho người trồng. Những năm đầu, theo ông Thành, nhiều người vẫn còn e ngại, phải chừng 4-5 năm sau, khi những cây ghép đầu tiên ra trái bói, người người rủ đến xem, từ đó phong trào trồng sầu riêng ghép mới nở rộ. Lần lượt sau đó, hàng loạt các giống sầu riêng mới có nguồn gốc từ Thái Lan vào Việt Nam, giúp cho người trồng đa dạng hơn trong việc chọn giống cây.  
Để hỗ trợ nhà vườn chuyển đổi cây trồng, ngành chức năng huyện và xã cũng vào cuộc. Nhiều chính sách được thực hiện như hỗ trợ giống, phân bón, tổ chức các lớp tập huấn hội thảo về qui trình chăm sóc, bón phân, kỹ thuật thu hoạch; hỗ trợ vay vốn tín dụng. Xã Hà Lâm cũng thành lập 2 câu lạc bộ gồm những hộ chuyên trồng sầu riêng để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất.
“Cùng với cây điều cũng là cây chủ lực trong giảm nghèo (xã có khoảng 900ha điều), chúng tôi chọn sầu riêng ghép là cây chủ lực cho làm giàu vì so với tất cả các loại cây trồng khác đang có hiện nay tại xã thì hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng ghép là vượt trội hẳn, giá cả lại khá ổn định” - ông Thành nhấn mạnh. 
 Đến thời điểm này, Hà Lâm đã có trên 580ha sầu riêng, sản lượng hàng năm đạt trung bình 4.500 tấn, trong đó có trên 450ha được trồng bằng các giống chất lượng cao, doanh thu bình quân 1ha sầu riêng từ 350 đến 500 triệu đồng, lợi nhuận mang lại cho người dân từ 50 đến 60% doanh thu. 
Hà Lâm hôm nay đã xuất hiện rất nhiều những “triệu phú sầu riêng”, họ đang làm giàu trên chính mảnh đất của mình và tạo ra động lực để những người còn lại tiếp tục vươn lên. Có thể nói đến Hà Lâm hôm nay như một vùng chuyên canh cây trái cho xứ Đạ Huoai, trong đó sầu riêng chính là đặc sản độc đáo của vùng đất này.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm